(QNg)- Ngày 27/2/2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên một số địa bàn thuộc tỉnh mình. Đáng chú ý nhất là hiện virus H5N1 đã xuất hiện tại huyện Núi Thành-huyện giáp sát với huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi.
Đây là một thông tin rất đáng lo ngại không chỉ cho đàn gia cầm của Quảng Ngãi mà còn cho tất cả mọi người dân Quảng Ngãi, từ những chủ hộ chăn nuôi gia cầm tới người tiêu thụ thịt gia cầm trong tỉnh.
Vì từ huyện Núi Thành của Quảng Nam, dịch cúm H5N1 hoàn toàn có thể lan tới Quảng Ngãi trong ngày một ngày hai nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và hữu hiệu.
Nói thật, từ trước tới nay, chúng ta chưa bao giờ ngăn chặn được cúm gia cầm H5N1 hay các loại dịch bệnh gia súc khác, cho tới khi dịch bùng phát và sau đó mới có những phương án dập dịch. Và, khi dịch chưa xuất hiện trên địa bàn của mình thì mọi người đều tỏ ra bình thản, an tâm và coi như sẽ không có chuyện gì xảy ra. Việc tiêm phòng vắc-xin cho các đàn gia cầm hoàn toàn không được thực hiện. Chưa kể, với những quyết định nửa vời từ Bộ NN&PTNT, việc có tiếp tục sử dụng vắc-xin cũ cho dịch cúm gia cầm H5N1 hay không vẫn chưa có tiếng nói sau cùng. Và nếu không dùng vắc-xin cũ, thì vắc-xin mới thay thế là gì, ở đâu, cũng chưa có câu trả lời chính thức. Trong thời điểm "chuyển vụ vắc-xin" này, một khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, thì sự bị động khi đối phó là dễ hiểu.
Đúng là dịch cúm H5N1 đang có những biến thể nguy hiểm, nhưng theo kinh nghiệm các địa phương đã bùng phát dịch, thì vắc-xin cũ dùng phòng trừ dịch vẫn còn tác dụng, ít nhất là 60%. Vậy thì tại sao Bộ NN&PTNT chưa cho dùng tiếp vắc-xin này, trước khi chính thức có vắc-xin mới thay thế ?
Những đàn gia cầm đang mùa phát triển ở Quảng Ngãi cũng là những hy vọng xoá đói giảm nghèo hay làm giàu của người chăn nuôi gia cầm ở Quảng Ngãi. Vì thế, những biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch, phòng dịch và sẵn sàng dập dịch một khi dịch bùng phát là những việc phải làm ngay, và làm với trách nhiệm cao nhất. Không chỉ Nhà nước có trách nhiệm, mà tất cả những hộ chăn nuôi gia cầm cũng phải có trách nhiệm đối với tài sản của chính mình và của đồng bào mình.
Lâu nay, tâm lý ỉ lại vào những biện pháp phòng và dập dịch của Nhà nước là tâm lý khá phổ biến ở người chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Đã tới lúc nhà nước phải phổ biến những biện pháp ngăn chặn và dập dịch tới mỗi hộ chăn nuôi gia cầm, và phải biến quyết tâm dập dịch từ Nhà nước thành ý chí tự nguyện dập dịch ở nhân dân. Có thể, vắc-xin sẽ không còn được cho không cấp không nữa, mà người chăn nuôi phải chung chịu một phần chi phí với Nhà nước. Chính đó cũng là một biện pháp hiệu quả khiến dịch cúm gia cầm được dập tắt nhanh hơn và triệt để hơn. Khi các thành phần xã hội đều có ý thức và đều chung tay ngăn dịch và dập dịch, mọi điều sẽ tốt hơn là nếu chỉ để Nhà nước "dập dịch một mình".
Thanh Thảo