Đừng "thả rơi" dân tái định cư!

08:12, 11/12/2011
.

(QNg)- Không phải bất cứ dự án nào có di dân và tái định cư đều ở vào tình trạng "thả rơi dân" sau khi đã phát tiền đền bù cho dân. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những dự án "thả rơi dân tái định cư" là nhiều hơn những dự án biết lo cho dân ở thời gian "hậu đền bù giải tỏa".

 

TIN LIÊN QUAN


Bây giờ, hầu hết những dự án đều kèm theo việc đền bù giải tỏa, vì thật khó kiếm một dự án nào triển khai trên đất hoang không dân ở, cũng như không có quyền lợi về đất đai của dân ở đó. Đã nói đền bù giải tỏa là nói tới sự chấp nhận từ hai phía: phía nhà đầu tư và chính quyền, phía còn lại là người dân ở trong khu vực phải giải tỏa. Trong hai phía đó, thì phía người dân "bị" (chứ không phải "được") đền bù giải tỏa là phía phải chấp nhận thiệt thòi hơn rất nhiều, so với phía bỏ tiền ra đền bù. Đừng nói một cách dễ dãi rằng người dân bị giải tỏa đã nhận được những khoản tiền "lớn" đền bù thì họ cũng được "đổi đời" luôn.

Vì trước đây khi ở trên đất cũ của mình, chưa bao giờ họ nhận được một khoản tiền lớn như thế. Nhưng bây giờ, sau rất nhiều năm triển khai các dự án, nếu nhìn lại, tổng kết lại, xem đời sống người dân sau khi nhận tiền đền bù và "tái định cư" thì đời sống thực tế của họ như thế nào? Họ có thật sự "đổi đời" sau khi nhận những khoản tiền đền bù "lớn" ấy không, hay trái lại, họ lún sâu vào cảnh nghèo nàn, mất nơi nương tựa, mất luôn cả sự bình yên trong gia đình và "được" cả những tệ nạn mà trước đây gia đình họ không có và chẳng bao giờ muốn có.

Với 300 hộ dân tộc thiểu số được đền bù giải tỏa ở dự án hồ chứa nước Nước Trong, cũng đừng vội trách móc họ, vì sao ngay sau khi nhận tiền đền bù đã nghĩ tới chuyện "mua xe ô tô con" trong khi đường về bản chưa có, hay nghĩ tới chuyện "xây nhà to" khi trong nhà không còn gạo ăn. Nếu có những hộ tiêu tiền theo kiểu "ném qua cửa sổ" ấy, chính vì đời họ chưa bao giờ cầm trong tay một số tiền lớn như thế, và họ không biết tiêu chúng vào đâu cho thích hợp cả! Họ rất cần sự tư vấn có trách nhiệm cho việc tiêu tiền.

Làm ra tiền đã khó, nhưng biết tiêu tiền đúng chỗ, đúng mục đích lại còn khó hơn. Đó là cả vấn đề dân trí. Đáng trách ở đây, chính là những "ông chủ đầu tư" và "ông chính quyền" đã trực tiếp phát tiền đền bù cho dân, nhưng chưa bao giờ chỉ cho dân nên tiêu những món tiền ấy như thế nào để đời sống của họ thực sự có thay đổi, cũng như tiêu làm sao để tiền còn đẻ ra tiền. Một khi những người phát tiền đền bù chỉ phát một lần cho xong, rồi thôi, bỏ mặc người dân muốn tiêu số tiền ấy thế nào tùy họ, thì sẽ dẫn tới những cách tiêu tiền bừa bãi khiến ta phải cười ra nước mắt! Cũng như "tái định cư" cho dân không chỉ là việc xây cái nhà cho họ ở, xây xong nhà coi như xong việc, vì "tái định cư" không chỉ có chỗ ở, mà còn là "tái sản xuất" ở nơi cư trú mới. Khi thiếu phương tiện và điều kiện để sản xuất, không được học nghề và có thể chuyển nghề sang phi nông nghiệp, thì người dân "tái định cư" sau khi tiêu hết món tiền đền bù ít ỏi, chắc chắn phải rơi vào cảnh khốn cùng.

Nếu mỗi dự án có "đền bù giải tỏa" nhằm mang lại những lợi ích kinh tế nào đó, thì cái giá phải trả quá lớn khi một số đông hộ dân trong diện "đền bù giải tỏa" phải phá sản hay phải tha phương cầu thực, thì nghĩ cho cùng, đó vẫn là "lợi bất cập hại".


                                
  Thanh Thảo


.