(QNĐT)- Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức vào chiều 14/11.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại, tất cả 164/164 xã đã thành lập và kiện toàn Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.
Đến ngày 30/10/2011, toàn tỉnh có 5.556 lượt cán bộ các cấp tham gia các lớp tập huấn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đã cấp hơn 2.800 cuốn Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới đến tận xã.
Hiện có 11 xã lập và phê duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới và 17 xã lập xong nhiệm vụ quy hoạch chung, đang trình UBND huyện xem xét phê duyệt.
Có 2 xã được UBND huyện phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, gồm: Đức Tân (Mộ Đức) và Bình Dương (Bình Sơn); 48 xã hoàn thành khâu biên tập, tiến hành tổ chức lấy y kiến nhân dân, trình UBND huyện phê duyệt; 98 xã lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, trong đó có 91 xã ký hợp đồng nguyên tắc và 7 xã ký hợp đồng chính thức.
Các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Tây và Trà Bồng, đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, nhưng hầu hết kế hoạch chỉ mang tính ước lượng và khái toán kinh phí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ khẳng định, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, đây cũng là cơ hội vàng để chúng ta làm thay đổi bộ mặt nông thôn. |
Quá trình triển khai thực hiện chương trình đang gặp phải một số vướng mắc khi nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, công tác chỉ đạo điều hành thiếu kiên quyết, tiến độ thực hiện chậm, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện chương trình.
Công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí nông thôn mới đòi hỏi chi tiết, chính xác nhưng năng lực tiếp thu và tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế nên gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã miền núi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai lập quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã chậm so với yêu cầu.
Hầu hết các địa phương đều nhầm lẫn giữa quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới, dẫn đến sai sót rất nhiều trong việc lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ khẳng định, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, đây cũng là cơ hội vàng để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của đề án xây dựng nông thôn mới, để tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân, huy động tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở chung sức xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị Sở NN&PTNT và Sở Xây dựng phối hợp xây dựng nội dung quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, chú trọng sự phân cấp công việc theo chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, ngành, đơn vị liên quan để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Ái Kiều