(QNg)- Mới đây, huyện Sơn Tây đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, nói nôm na là “hội nghị già làng”. Ngày xưa, ông lão nào mà có uy tín nhất trong làng của đồng bào thì được người dân gọi là “già làng”, người đó được xem như thủ lĩnh của họ. Bây giờ, không cứ gì phải là người già hoặc đàn ông, mà hễ người nào có uy tín nhất thì cũng được gọi là “cà rá”- một tên gọi để chỉ những người như “già làng”, dù người đó có là phụ nữ hay vẫn còn trẻ tuổi. Phải dông dài một chút về khái niệm này để thấy rằng, dù tên gọi có khác đi tí đỉnh, song “nội dung” của nó vẫn không thay đổi.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng, cách đây hơn 1 tháng có về thăm và làm việc với huyện Sơn Tây. Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về phương hướng sắp tới, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Phạm Tấn Hoàng đã đề cập đến việc sẽ tổ chức hội nghị này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nói ngay: “Tôi sẽ sắp xếp lên dự hội nghị để nghe bà con nói”. Đúng hẹn, đồng chí Võ Văn Thưởng đã có mặt tại Sơn Tây vào sáng ngày 19/10/2011. Gần một ngày trời, đồng chí Bí thư lắng nghe một cách chăm chú tất cả những ý kiến của các “già làng”. Chưa hết, giờ giải lao, đồng chí Bí thư còn tranh thủ “hỏi thêm” về tình hình ăn ở, sinh hoạt và sản xuất dưới làng, đặc biệt là việc học tập của con em đồng bào Ca Dong.
Gần 10 bản báo cáo của 112 “già làng” tiêu biểu đã được trình bày tại hội nghị. Rất đa dạng, mỗi báo cáo được xem như một “công trình” về những kinh nghiệm vượt khó khăn của từng cá nhân nhưng đã thành hạt nhân của phong trào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của bà con dân tộc.
Người thì chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng và vật nuôi; người thì đề cập đến việc làm cách nào để giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng như việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc có người nói về những cố gắng của bản thân như thế nào để có thể nuôi một đàn con 5 đứa học hành đàng hoàng, thành đạt; lại có người truyền đạt kinh nghiệm trong việc vận động nhân dân trong làng chấp hành tốt các chủ trương di dời dân cho công trình thủy điện Đakrinh… mỗi người một kinh nghiệm.
Kinh nghiệm nào cũng được đánh đổi bằng mồ hôi và trí tuệ của từng “già làng”. Nghe già làng nói không chỉ là để biết thêm về một kinh nghiệm sống mà còn sẽ giúp ích rất nhiều về công tác vận động quần chúng của những cán bộ tại huyện Sơn Tây. Như chuyện “già Ân” đã thành “gia đình mẫu” của Sơn Bua khi ông đã phải tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc như thế nào để nuôi đàn con học hành đến nơi đến chốn và chính đàn con ấy đang giúp lại vợ chồng ông thoát khỏi cảnh nghèo.
Cứ 3 năm “hội nghị già làng” được tổ chức một lần. Đây là việc cần phải duy trì, song đích ngắm của hội nghị không chỉ là việc biểu dương những người tiêu biểu mà cái chính là những hạt nhân này phải làm đòn bẩy thực sự để “kích hoạt” toàn bộ cộng đồng cũng “làm như mình” nhằm biến cả làng, cả xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính khả năng của mình chứ không phải chỉ một bộ phận ít ỏi trong làng mới làm giàu.
Trần Đăng