Nghĩ từ đền thờ Bác Hồ ở Pắc Bó

04:09, 01/09/2011
.
* Thanh Thảo

(QNĐT)- Ngay phía sau nhà lưu niệm Bác Hồ ở Pắc Bó có một ngọn đồi hình thế thật đẹp. Và từ ngày 2/9 năm nay, đền thờ Bác Hồ tọa lạc trên ngọn đồi ấy đã được hoàn thiện để đón khách thập phương tới viếng thăm.

Cách đây hai tháng, tôi đã may mắn được tới viếng ngôi đền ấy, khi ngoại thất của đền còn đang được thi công. Đó là một ngôi đền giản dị, như bất cứ ngôi đền thờ danh nhân nào ở nước ta đã được nhân dân phong thánh.

Sau khi từ giã cõi đời 42 năm, tôi nghĩ, giờ đây Bác Hồ đã là một vị thánh. Nhưng có điều lạ, khi tôi vào chiêm bái trong đền thờ Người tại Pắc Bó này, thì cảm giác đầu tiên mà tôi nhận được là một cảm giác ấm áp, an lành, cứ như tôi đang thắp hương trước bàn thờ ông bà hay cha mẹ mình.

Có nhiều vĩ nhân đã hiến trọn đời cho một sự nghiệp. Bác Hồ đã hiến trọn đời mình cho một lý tưởng: “Không có gì quí hơn Độc lập Tự do”. Độc lập cho đất nước cho dân tộc và tự do cho mỗi con người. Nhưng vì sao, lý tưởng ấy của Bác Hồ lại thành lý tưởng chung của cả một dân tộc, một đất nước? Tôi nghĩ, bởi ngay từ đầu Bác Hồ đã hòa chung, đã dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho con đường giải phóng và giành tự do mà cả một đất nước bị mất quyền tự chủ, một dân tộc bị nô lệ ngoại bang cần phải đi, và phải đi cho tới tận cùng.

Nhìn xuống hang Pắc Bó lạnh lẽo, nơi Bác Hồ đã từng ẩn náu khi Người về nước dựng cờ khởi nghĩa, tôi chợt bàng hoàng: Làm sao Bác có thể ở được trong hang đá lạnh này, nơi không phải dành cho cuộc sống con người?

Cái không thể đã thành có thể, và cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra như một lẽ đương nhiên, bởi khi Bác Hồ cùng các đồng chí của mình đã có thể “nằm gai nếm mật” như thế, không tiếc hy sinh như thế, thì sự nghiệp giải phóng đất nước tất thành công. 

Tôi nghĩ, từ trước khi Cách mạng Tháng Tám, và nhất là sau Cách mạng khi cần bảo vệ chính quyền độc lập non trẻ, Bác Hồ đã suy nghĩ nhiều phương thức lựa chọn, và thực sự Bác đã dùng hơn một phương thức, dùng nhiều giải pháp, miễn làm sao nước được Độc lập, dân được Tự do. Nhưng rồi cuối cùng, chính kẻ thù đã buộc Bác Hồ và toàn dân tộc Việt Nam phải chọn cách cầm vũ khí, chọn cuộc chiến tranh Vệ quốc.

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc có một số phận, và để làm chủ vận mệnh của mình, cũng có rất nhiều cách lựa chọn, nhiều phương thức để tiến hành. Từ đó, chúng ta mới có ngày Quốc khánh 2/9, mới có Tết Độc lập.

Cho tới bây giờ, làm sao để đất nước giữ vững được nền Độc lập, làm sao để nhân dân thực sự có cuộc sống an lành và hạnh phúc vẫn còn là mục tiêu hướng đến, chứ chưa phải là thành tựu để an hưởng.

Từ đền thờ Bác Hồ ở Pắc Bó, tôi nhìn lên rặng núi cao và dài trước mặt, và tôi hiểu: Giành được Độc lập thật vô cùng gian khổ, nhưng giữ vững được Độc lập còn gian khó hơn vạn lần. Tôi tâm nguyện được điều ấy khi cúi mình hành lễ trước bức tượng Bác Hồ ở đền thờ Pắc Bó, bức tượng Bác có lẽ là đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay.

Cũng là một bí mật mà ta có thể lý giải được, khi cuộc trường chinh vì Độc lập và Tự do đã được Bác Hồ khởi lên từ Pắc Bó, từ hang sâu tối và lạnh, nơi có những giọt nước nhỏ tí tách suốt ngày đêm./.

.