(QNĐT) - Ngày 11/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Tham gia hội nghị về phía đầu cầu Quảng Ngãi có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.
Tham gia hội nghị về phía đầu cầu Quảng Ngãi có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề chiến lược quan trọng của đất nước, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiêm túc kiểm điểm những mặt được, chưa được sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết, tập trung thảo luận đưa ra các biện pháp khắc phục khó khăn từ thực tiễn ở các địa phương cũng như thống nhất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Theo Bộ NN&PTNT: Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến rõ rệt, nhất là trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.
Năm 2009, nông nghiệp nước ta đạt mức tăng GDP là 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%, bằng mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra đầu năm. Tốc độ tăng GDP nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36%/năm.
Các lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản đều có bước phát triển khá. So với năm 2008, sản lượng lúa tăng thêm 1,17 triệu tấn năm 2010, sản lượng các loại thịt tăng 725 ngàn tấn, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 990 ngàn tấn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,5%, tăng 1,3%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD, tăng 3,46 tỷ USD so với năm 2008, vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, đạt 12 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới.
Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Đến năm 2010, trong khu vực nông thôn, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế. Các cụm công nghiệp, làng nghề chế biến nông lâm thủy sản và các ngành nghề nông thôn có bước phát triển khá.
Hệ thống thông nông thôn được chú trọng đầu tư nâng cấp, được coi là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng nông thôn. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường nông nghiệp được tăng cường quản lý và sử dụng theo hướng bền vững, có hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt, nâng tỷ lệ số xã sử dụng điện lưới lên 97,8%; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% xuống còn 11,3%...Trong giai đoạn 2009-2011 tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lên tới gần 290.000 tỷ đồng.
Nghị quyết Trung ương 7 khóa X mang tạo được chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. |
Trên cơ sở triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm ở 11 tỉnh, thành phố đã hình thành bước đầu mô hình nông thôn mới. Đến nay, đã có 100% số tỉnh đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí để làm cơ sở triển khai những bước tiếp theo của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nghị quyết, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về Nghị quyết nói chung và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng còn chưa đúng và đầy đủ, dẫn đến nhiều cơ chế chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo được sự chuyển biến trên thực tế.
Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đặt ra là giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản bình quân 5 năm từ 2,8-3%/năm; tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước 17-18%; hàng năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, tỷ trọng lao động nông, lâm, thủy sản năm 2015 chiếm 40-41% lao động xã hội, thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8-2 lần so với năm 2010... Đồng thời, xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Nghị quyết Trung ương 7 tạo chuyển biến rõ rệt ở nông thôn, tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đặt ra.
Để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, trong thời gian tới các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết tới cán bộ và người dân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới theo hướng sâu rộng, thường xuyên, sinh động, bám sát 8 nhóm giải pháp mà Nghị quyết nêu ra, tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương mà đề ra chương trình, hành động cụ thể của địa phương mình sao cho mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Ái Kiều