(QNĐT)- Ngày 31/5/2011, Nhà máy đường Phổ Phong chính thức dừng tiếp nhận mía sau 05 tháng sản xuất liên tục. Với sản lượng mía mua được trên 255.000 tấn có thể nói rằng đây là vụ sản xuất có sản lượng cao nhất từ trước đến nay của nhà máy (trước đây cao nhất cũng chỉ 180.000 tấn).
Đây cũng là vụ sản xuất đầu tiên trên địa bàn Quảng Ngãi chỉ còn một nhà máy, bởi trước đó Nhà máy đường Quảng Phú phải dừng sản xuất để di dời đi nơi khác vì thiếu mía.
Cứ nhìn sản lượng mía (đạt cao so với những vụ trước) và thời gian kéo dài đến cuối tháng 5, nhất là áp lực vào tháng 3 và tháng 4 vừa rồi: Mía chín dồn dập trên đồng, không thu mua kịp gây khô héo, người trồng mía sợ tổn thất nên “kêu cứu” khắp nơi và dư luận cho rằng mía quá nhiều nên nhà máy sản xuất không hết!
Thực tế thì các vụ trước trên địa bàn Quảng Ngãi có hai nhà máy với tổng công suất 4.000 TNM (có thể SX đến 4.500TMN) và chỉ sản suất có hơn 2 tháng là hết mía! Vì hết mía sớm nên trồng vụ mới cũng sớm vả lại vụ trước giá mía cao nông dân có lãi nên cũng trồng tăng diện tích chút ít trong khi đó công suất chế biến giảm 50% (mặc dù NM đường Phổ Phong mở rộng nâng công suất lên 2.000 TMN) và hệ quả tất yếu mía chín đồng loạt sinh ra “no dồn đói góp” gây nhiều bức xúc cho ngành mía đuờng Quảng Ngãi.
Bất cứ nhà kinh doanh nào, đầu tư vào ngành mía đường khi lập dự án để khả thi bảo toàn vốn và có lãi cũng xây dựng vụ sản xuất chí ít là 6 tháng sản xuất. Với công suất 2.000 TMN của Nhà máy đường Phổ Phong nếu đúng ra phải sản xuất 6 tháng (đã trừ những ngày nghỉ để bảo dưỡng định kỳ) và sản lượng mía phải đáp ứng 340.000 tấn (So với vụ ép vừa rồi vẫn còn thiếu hơn 80.000 tấn mía).
Vấn đề là nhà máy đường và các đơn vị chuyên môn về nông nghiệp của địa phương phải điều tra khảo sát toàn bộ diện tích đất trồng mía để có phương án về giống, thời vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch rãi thời gian phù hợp theo từng chân đất chẳng những đủ sản lượng cho công suất ép hàng ngày mà còn bảo đảm được năng suất và chất lượng cho cây mía. Được vậy lợi cả đôi bên.
Nhưng đây là câu chuyện không phải dễ vì mấy mươi năm rồi cũng chưa làm được. Và vì vậy, không phải thấy vụ ép vừa rồi kéo dài (so với trước) và bức xúc của người trông mía mà “tưởng” mía thừa để rồi mía sẽ lại tiếp tục thiếu mặc dù 1 nhà máy đã phải dời đi.
Trần Nam