Bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn

02:05, 01/05/2011
.

(QNg)- Đã xảy ra một việc kỳ lạ là giữa ban ngày, người ta chở cả tàu “tỏi lạ” ra “đảo tỏi” Lý Sơn. Để bán cho dân Lý Sơn ư ? Không! Để trộn với tỏi Lý Sơn và lập lờ đánh lận con đen, bán thứ “tỏi trộn” ấy như là tỏi “Lý Sơn chánh hiệu”.

Từ năm 2009 tỏi Lý Sơn-một đặc sản của hòn đảo núi lửa cũ này-chính thức được công nhận thương hiệu quốc gia. Nhưng trước đó, con đường để tỏi Lý Sơn có được thương hiệu, được người tiêu dùng cả nước biết tới và ưa chuộng là dài và không ít thăng trầm.

Có thể nói, nhà văn Việt Nam đầu tiên ca ngợi tỏi Lý Sơn trong cả một thiên truyện vừa của mình là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thành Long. Ngay từ năm 1976, nhà văn Nguyễn Thành Long đã lặng lẽ ra đảo Lý Sơn theo một đường dây nhân vật riêng của ông bắt đầu từ Qui Nhơn. Sau chuyến đi đảo khá cam go ấy, Nguyễn Thành Long đã viết truyện vừa “ Lý Sơn mùa tỏi”-một thiên truyện rất hay và đặc biệt.

Ngay trong tác phẩm văn học ấy, tỏi Lý Sơn lần đầu được tôn vinh và người dân đảo Lý Sơn yêu nước cũng được ngòi bút tài hoa của Nguyễn Thành Long vẽ lên rất độc đáo. Với tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Thành Long xứng đáng nhận được lòng biết ơn của “đảo tỏi” Lý Sơn, vì nói thật, rất nhiều người, nhất là người miền Bắc, đã lần đầu tiên biết tới đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi và đặc sản tỏi Lý Sơn nhờ đọc thiên truyện này.

Tỏi Lý Sơn có được thương hiệu trước hết là nhờ vào… chính nó, vì nó đặc biệt thơm ngon và có những tác dụng tốt với sức khoẻ. Nhưng để tỏi Lý Sơn có thương hiệu như hiện nay là nhờ vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố “ Lý Sơn-Hoàng Sa” và yếu tố truyền thông là hai yếu tố đóng vai trò rất quan trọng...

Bây giờ nhắc tới Lý Sơn là người Việt yêu nước nào cũng cảm thấy dạt dào những yêu mến và khâm phục. Tỏi Lý Sơn nương nhờ vào “yếu tố tình cảm” ấy rất nhiều để nổi tiếng. Nhưng, nếu xây dựng được một thương hiệu phải tốn biết bao công khó, thì phá vỡ một thương hiệu lại là chuyện khá… dễ.

Nếu người dân Lý Sơn, đặc biệt là các cấp chính quyền và nông dân trồng tỏi không thật sự có ý thức về thương hiệu tỏi Lý Sơn, thì việc đánh mất thương hiệu này chỉ là vấn đề thời gian. Một khi những tàu chở “tỏi lạ” cứ ngang nhiên cập bến Lý Sơn, để đưa “tỏi lạ” từ đất liền ra trộn chung với tỏi Lý Sơn bản địa và… bán, thì người tiêu dùng vốn yêu chuộng tỏi Lý Sơn sẽ đi từ nghi ngờ tới… quay mặt. Và lúc đó, tỏi Lý Sơn liệu có còn được giá, hay lại rớt thê thảm?

Ở đây, không thể nói là khi tư thương chở “tỏi lạ” ra Lý Sơn là không vi phạm kinh tế thị trường. Có đấy! Họ đã phạm vào tội “gian lận thương mại” và “xâm phạm thương hiệu”. Với hai tội đó, chính quyền Lý Sơn có toàn quyền xử lý bằng cách tịch thu toàn bộ “tang vật”. Lý Sơn chỉ có một bến cảng, và việc kiểm soát chống gian lận thương mại là không khó.

Đừng để “vàng thương hiệu” rơi mất rồi mới thương tiếc thì đã muộn.                       
  
Thanh Thảo

.