* Thanh Thảo
(QNĐT)- Ở những thời điểm tận cùng khốn khổ, họ vẫn kiên gan giữ thiên chức của người mẹ là nuôi nấng con cái cho chúng thành người. Họ đã tự giải phóng cho mình bằng cách vượt lên số phận khốn khổ của chính mình. Tôi xin nghiêng mình cảm phục họ.
Có lần, vào dịp trước Tết, tôi được gặp một người phụ nữ đưa con gái mình mới tốt nghiệp đại học đi nhờ xin việc cho cháu. Cháu gái có gương mặt rất sáng nhưng lại quá gầy gò so với tuổi ăn tuổi lớn của cháu. Còn người mẹ thì như không thể gầy hơn, với đôi mắt buồn nhưng gương mặt lại rất bình thản.
Chị không kể về mình, nhưng qua người thứ ba cùng đi với chị, tôi biết chị quê ở Bình Sơn-Quảng Ngãi. Khi chồng chị chết sau một cơn bạo bệnh, nhà không còn gì có thể bám víu để sống, chị phải rời quê vào bươn chải bán vé số tại TP Hồ Chí Minh để kiếm tiền nuôi hai con ăn học suốt mười năm nay.
Con trai lớn của chị thi đậu đại học bách khoa Đà Nẵng, nhưng trước cảnh nhà quá túng quẫn cháu đã tình nguyện nghỉ học, xin bảo lưu kết quả thi và về nhà làm thợ hồ để giúp mẹ kiếm tiền nuôi đứa em gái học đại học.
Khi em gái tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, anh trai lại về trường cũ xin kết quả bảo lưu để tiếp tục học tập. Hiện cháu đã sắp làm đề án tốt nghiệp đại học bách khoa. Còn người mẹ, chị vẫn đi bộ mỗi ngày mấy chục cây số trên các con đường Sài Gòn để bán vé số.
Trước Tết, chị lại vừa gặp rủi khi một toán cướp giật choai choai cướp hết mấy trăm tờ vé số chị đang bán, khiến chị trắng tay. Mỗi ngày, người mẹ ấy chỉ ăn một ổ bánh mỳ trơn, toàn bộ tiền lời bán vé số chị dành dụm gửi cho con ăn học.
Tôi nhìn người phụ nữ nông dân xanh gầy ấy mà như không tin nổi: Một mình chị bán vé số nuôi hai đứa con học đại học ư ? Một người phụ nữ nhỏ bé, nghèo khổ tới mức không thể nghèo khổ hơn lại có thể làm được một việc lớn lao đến thế sao?
Ngày 8/3 hàng năm là ngày được giành để tôn vinh những người phụ nữ. Đã có những người phụ nữ thành đạt, những người phụ nữ giàu có, những người phụ nữ để lại những tấm gương sáng ngời về những phẩm chất ưu việt của con người.
Nhưng cũng có những người phụ nữ thầm lặng, nghèo khổ, gầy gò như chị phụ nữ quê Bình Sơn ngồi trước mặt tôi kia, những người phụ nữ khi không còn con đường nào khác là chấp nhận số phận cay cực của mình, họ đã không gục ngã mà lặng lẽ đứng lên, từng bước từng bước tự mình bươn chải để vượt lên trên số phận.
Tôi đã từng về một xóm biển ở Bình Sơn-Quảng Ngãi mà ở đó có nhiều chị phụ nữ goá chồng khi còn trẻ hay khi không còn trẻ. Chồng họ đi biển và mãi mãi không về. Nếu trước khi mất chồng, nhiều phụ nữ ở vùng biển thường sống dựa vào nghề đi biển của chồng, mọi chi tiêu của gia đình đều trông vào những con cá mà chồng đánh bắt được ngoài biển, thì với cái “xóm goá phụ” này, những người phụ nữ mất chồng đã không ngồi chờ những may mắn của số phận tới gõ cửa.
Họ đã tự đứng lên, người này nâng người khác, kết thành một nhóm chuyên đan lưới vá lưới và làm các dịch vụ nhỏ khác để phục vụ những con thuyền đánh cá. Họ đã biết cách tự mình làm chủ gia đình và lao động chuyên cần để kiếm những món tiền ít ỏi nuôi con khôn lớn.
Với những người phụ nữ ấy, có thể ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 còn khá xa với họ, bởi không ai tặng hoa hay tặng quà cho họ vào cái ngày đặc biệt giành cho chính họ ấy. Nhưng tôi nghĩ, ngày 8/3 lại sáng ngời lên ý nghĩa cao đẹp vì có họ, những người phụ nữ không may mắn và thật nghèo. Bởi vì ở những thời điểm tận cùng khốn khổ, họ vẫn kiên gan giữ thiên chức của người mẹ là nuôi nấng con cái cho chúng thành người. Họ đã tự giải phóng cho mình bằng cách vượt lên số phận khốn khổ của chính mình. Tôi xin nghiêng mình cảm phục họ./.