Hội thảo Quốc tế "Thúc đẩy văn hóa an toàn lao động và quản lý rủi ro môi trường làm việc"

08:03, 19/03/2011
.

(QNĐT)- Ngày 18/3, tại Khách sạn Mỹ Trà, Cục An toàn lao động-Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ban Phòng ngừa công nghiệp mỏ Quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội an sinh xã hội (ISSA Mining) tổ chức Hội thảo Quốc tế "Thúc đẩy văn hóa an toàn lao động và quản lý rủi ro môi trường làm việc".
 
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Bùi Hồng Lĩnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Sơn, cùng 25 đại biểu quốc tế của 20 quốc gia và 35 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 16 báo cáo tham luận của đại biểu các nước, các tổ chức liên quan đến Văn hóa An toàn lao động và Quản lý rủi ro tại nơi làm việc.
 
a

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Bùi Hồng Lĩnh (giữa) trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội cho ông Theodor Bulholf - Chủ tịch ISSA Mining và Ông Helmut Ehnes - Tổng thư ký ISSA Mining

 
Trong buổi sáng, nội dung các tham luận chủ yếu tập trung vào những vấn đề an toàn lao động trong khai thác hầm, mỏ. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú với hơn 100 loại khác nhau như: Than, sắt, bauxit, đồng, vàng, mănggan, dầu lửa... trong đó khai thác nhiều nhất là than Antraxit, khai thác đá. Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và quan trọng là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động trong khai thác mỏ, vấn đề an toàn – vệ  sinh lao động luôn là những ưu tiên hàng đầu.
 
Trong khai thác mỏ, tình hình tai nạn lao động, nhất là trong khai thác than, khai thác đá và một số loại khoáng sản khác đã và đang xảy ra rất nghiêm trọng, do sạt lở tầng khai thác, sạt lở bãi thải... (ở mỏ lộ thiên); nổ khí, bục nước, sập lò... (ở mỏ hầm lò) làm chết và bị thương nặng nhiều người. Riêng trong khai thác than, giai đoạn từ năm 2000 - 2008, đã có 276 trường hợp bị chết, trong đó trong hầm lò là 219 người. Trong khai thác đá, hàng năm cũng có hàng chục người chết vì tai nạn lao động, điển hình là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2007 và 2008.
 
b
Quang cảnh hội thảo.
 
Để hạn chế tai nạn liên quan đến lĩnh vực này, các tham luận cho rằng cần tăng cường đầu tư thiết bị, phương tiện khai thác, phòng ngừa tai nạn lao động, đổi mới công nghệ khai thác; đảm bảo các hoạt động khai thác mỏ đều có thiết kế, đánh giá rủi ro, biện pháp an toàn kèm theo.
 
Đặc biệt là nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động, người lao động và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động trong khai thác mỏ…
 
Trong buổi chiều, các đại biểu tiếp tục trình bày các tham luận về đánh giá rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc và xây dựng văn hóa an toàn lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
 
Kết quả khảo sát 1.000 cơ sở sản xuất trong cả nước cho thấy có tới 66% cơ sở bị ô nhiễm nhiệt và 30% bị ô nhiễm tiếng ồn. Còn tại hơn 140 làng nghề, do quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư ít nên việc cải tiến công nghệ, áp dụng  khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất hạn chế. Đồng thời, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất cũng không đảm bảo an toàn, gây độc hại cho người lao động.
 
c

Đoàn đại biểu quốc tế chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.


Nhiều đại biểu cho rằng, văn hoá an toàn chính là chìa khoá để cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp một cách hiệu quả. Đây cũng là giải pháp cơ bản, có tầm chiến lược đối với phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ nguồn lực con người. Văn hoá an toàn cho con người, vì con người cũng thể hiện giá trị nhân đạo và nhân văn trong phát triển của xã hội.
 
Các doanh nghiệp muốn cải thiện được điều kiện lao động thì cần phải xây dựng được hệ thống quản lý ATVSLĐ với đầy đủ 5 nội dung như xây dựng các nội quy qui định về ATVSLĐ; tổ chức bộ máy và phân công trách nhiệm về bảo hộ lao động, an toàn lao động trong doanh nghiệp; xác định các rủi ro, nguy hiểm, có hại trong sản xuất để  xây dựng  kế hoạch bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động, nhằm ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động. Sau đó áp dụng các phương pháp để cải thiện điều kiện làm việc.
 
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội cho ông Theodor Bulholf - Chủ tịch của ISSA Mining và Ông Helmut Ehnes - Tổng thư ký ISSA Mining.
 
M.Toàn (lược thuật)
 

.