Thanh Thảo
(QNĐT)- Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh-cơ sở đào tạo tại Quảng Ngãi vừa khai giảng lớp cử tuyển đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh dành riêng cho học sinh người dân tộc ở các huyện miền núi Quảng Ngãi.
120 em học sinh người dân tộc thiểu số sẽ chính thức bước vào giảng đường đại học, trở thành những sinh viên. Những sinh viên người dân tộc này sau thời gian 4 năm học chính quy sẽ trở thành nguồn nhân lực có trình độ đại học cung cấp cho nhu cầu quản lý hành chính và kinh tế ở các huyện miền núi. Các em sẽ trở về phục vụ quê hương khi đã có kiến thức đại học chính quy.
Đồng chí Nguyễn Xuân Huế-Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận trúng tuyển cho các tân sinh viên. Ảnh: M.Toàn |
Đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Ngãi, một tỉnh có 6 huyện miền núi và 3 dân tộc thiểu số, có nguồn nhân lực khá dồi dào từ các thanh niên người dân tộc, nhưng lâu nay hiệu quả sử dụng còn rất thấp.
Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cơ sở tại Quảng Ngãi là một trường chuyên đào tạo đa ngành có điểm chuẩn đầu vào không phải thấp, nhưng trường đã tự nguyện cam kết với tỉnh Quảng Ngãi trong chiến lược lâu dài đào tạo những sinh viên người dân tộc thông qua hình thức cử tuyển, nhằm mục tiêu có được những cán bộ người dân tộc đủ trình độ cho chương trình quản lý hành chính và kinh tế các xã và huyện miền núi.
Dạy cho các sinh viên cử tuyển người dân tộc nắm được các kiến thức chính quy cơ bản là một việc làm không dễ dàng đòi hỏi sự kiên trì và tình thương yêu thông cảm với các em, mong các em sớm có được hành trang kiến thức đủ để góp sức xây dựng quê hương mình.
Lâu nay, các cán bộ người Kinh là một lực lượng đông đảo tại các địa bàn miền núi, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài, thì không biết đến bao giờ các dân tộc thiểu số mới có lực lượng cán bộ của mình-những tinh hoa của dân tộc mình-nhằm phục vụ cho việc xây dựng kinh tế xã hội và quản lý hành chính ngay trên quê hương mình.
Mô hình giáo dục đại học chính quy thông qua cử tuyển dành cho các học sinh người dân tộc là mô hình được Đảng và Chính phủ đề cập tới từ lâu. Nhưng lâu nay, rất ít các trường đại học công lập và ngoài công lập thực hiện được mô hình này.
Nếu không chấp nhận những khó khăn trong thực tế đào tạo, nhà nước và nhà trường không sẵn sàng chi ra những khoản kinh phí để trợ giúp, thì mô hình này sẽ không có cơ hội tồn tại và phát triển ở các trường đại học. Phải biến những lớp học cử tuyển như thế này thành những lớp học vừa đặc biệt vừa bình thường, không phân biệt, để sinh viên người dân tộc có hứng thú, có say mê theo học và tiếp thụ tốt các kiến thức ở bậc đại học, đó là quyết tâm của Trường đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cơ sở tại Quảng Ngãi.
Đây là một ngày khai giảng thật đặc biệt, không chỉ với tỉnh Quảng Ngãi. Hy vọng mô hình đào tạo này sẽ được nhân rộng bởi nhiều trường đại học trong cả nước, để học sinh người dân tộc thiểu số trong cả nước có điều kiện theo học chương trình đại học và tích lũy được kiến thức phục vụ quê hương, dân tộc mình./.