Hội nghị hợp tác phát triển vùng nguyên liệu sinh học Bio-Ethanol

04:09, 14/09/2010
.
(QNĐT)- Sáng 14/9, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung  (PCB) đã tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển vùng nguyên liệu sinh học Bio-Ethanol, đồng thời ký kết  phát động  thi đua đưa Nhà máy  Bio-Ethanol Dung Quất  về đích.
 
Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, do PCB làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD, công suất 100.00m 3 ethanol/năm, sử dụng 220.000 tấn nguyên liệu sắn lát (củ mì)/năm. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là ở Quảng Ngãi và các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
 
Sự ra đời của Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất sẽ tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyện liệu chế biến xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt khí thải CO 2 của động cơ ra môi trường; góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân, tạo việc làm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho nhà máy thì cần quy hoạch vùng nguyên liệu khoảng 30.000 ha đất để trồng sắn. Đây là điều không đơn giản, bởi hiện nay việc thu mua nguyên liệu giữa nhà máy sản xuất tinh bột, cũng như tư thương để xuất khẩu đang diễn ra rất quyết liệt, trong khi đó Bộ NN&PTNT hạn chế phát triển vùng nguyên liệu sắn… Chính vì vậy, tại hội nghị các đại biểu đã cùng nhau thảo luận để tìm ra giải pháp nhằm phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững, đảm bảo cho nhà máy vận hành. 
 
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay người dân trồng sắn một cách tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến diện tích rừng và các cây trồng khác bị thu hẹp gây phá vỡ cơ cấu cây trồng. Theo PCB thì để phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững, PCB sẽ thực hiện hợp tác phát triển với các hộ nông dân, tổ chức bằng các phương thức như góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. 
 
Ký kết giao ước thi đua đưa Nhà máy Bio-
Ký kết phát động thi đua đưa Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất về đích.
Tổ chức, cá nhân được chia lợi nhuận từ hoạt động SXKD của nhà máy theo tỷ lệ góp vốn; PCB sẽ cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Riêng đối với klhu vực miền Núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, PCB sẽ áp dụng phương thức đầu tư toàn bộ chi phí. Kể cả trả lương công nhân, thưởng vượt năng suất và chia sản phẩm theo tỷ lệ thích hợp… Ngoài ra, PCB còn hỗ trợ những diện tích chuyển đổi sang trồng sắn, khai hoang, cải tạo và dồn điền đổi thửa…
 
Tại hội nghị, các đơn vị cũng đã cùng nhau ký kết phát động thi đua đưa Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất sớm về đích, đồng thời ký kết hợp tác đầu tư giữa các đơn vị và các hộ nông dân, các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho nhà máy… 
 
Tin, ảnh: M.Toàn
 

.