(QNg) - Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng cách đây 1 năm. Bệnh viện được xây dựng trên một khu đất rộng, nằm trung tâm thành phố, tạo điều kiện tốt hơn trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Với diện tích trên 36.000m2 sàn, sử dụng cho 600 giường bệnh, cùng đội ngũ thầy thuốc đa số có năng lực và trách nhiệm, đã kịp thời điều trị cho hàng vạn bệnh nhân mỗi năm, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Thực ra có tận mắt chứng kiến mới thấy hết sự vất vả của người thầy thuốc. Vì người bệnh họ phải làm việc suốt ngày, thay nhau trực ban đêm vì bệnh nhân thì có thể nhập viện bất cứ lúc nào, nhất là các khoa như: Cấp cứu hồi sức, sản, chấn thương… Công bằng mà nói bên cạnh mặt tích cực, sự nỗ lực của đông đảo đội ngũ thầy thuốc ở bệnh viện thì cũng còn một số y, bác sĩ chưa hết lòng vì người bệnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa tốt, tinh thần trách nhiệm có lúc chưa cao, hách dịch, gắt gỏng với bệnh nhân; cá biệt có trường hợp vòi vĩnh, tiêu cực, không kịp thời điều trị để bệnh nhân tử vong (như báo chí và dư luận đã phê phán). Nhưng "hạt sạn" đó không nhiều, một số trường hợp đã được bệnh viện kiểm điểm, xử lý. Đa phần bệnh nhân vào đây điều trị đều có nhận xét chung như thế.
Tuy nhiên qua một năm sử dụng bệnh viện cũng nổi lên những vấn đề bất cập, cần phải nhanh chóng khắc phục. Đó là sự quá tải của một bệnh viện cấp tỉnh. Với 600 giường bệnh, nhưng hằng ngày bệnh viện phải thu nhận và điều trị cho trên dưới 1.500 bệnh nhân, nên tạo sức ép quá căng thẳng cho đội ngũ y, bác sĩ và cả người bệnh. Mỗi phòng bệnh trên 10m2 theo thiết kế chỉ trang bị 2 giường, nhưng nay phải tăng lên 4 giường (mỗi giường từ 2-3 người). Một giường chiều rộng 0,8m, 2 người nằm đã khó, thế mà có lúc 3 người/giường, khi đột xuất ghép tạm 4 người, ai chuyền nước thì được nằm, còn tất cả phải ngồi. Bệnh nhân ở thành phố chờ tiêm thuốc xong là xin về nhà, để nhường giường cho người nặng hơn. Có người nói vui, bây giờ vào "ngồi bệnh viện" chứ không phải "nằm bệnh viện" như trước, chưa biết khi có dịch bệnh phát sinh hay những trường hợp bất thường khác sẽ xử lý ra sao?
Bệnh nhân đông đồng nghĩa của sự quá tải của thầy thuốc khi phải phục vụ, đôi lúc quá mệt mỏi vì phải tăng cường độ lao động nên có người đâm ra khó tính, những lúc đó cụm từ "lương y như từ mẫu" sẽ không còn nữa.
Vào thăm người bệnh tôi chứng kiến một bệnh nhân phản ứng cô y tá khi ghép người thứ ba vào chung một giường, với lý do là hai người đã không nằm được, người thứ ba vào chỗ đâu mà nằm? Cô y tá trình bày là, mong các cô, các chú thông cảm, bọn cháu không muốn thế này đâu, bệnh nhân vào phải tiếp nhận chứ không còn cách nào khác, bọn cháu phục vụ cũng vất vả lắm… Biết làm sao khi mà cái gốc của sự việc chưa được xử lý dứt điểm?
Một số người cho rằng giải bài toán quá tải ở đây thì ngoài việc tăng cường cho tuyến dưới (xem ra không hiệu quả nhiều vì ngoài trình độ chuyên môn còn có thiết bị phục vụ cho các dịch vụ y tế cao, chưa đáp ứng được) nên chăng ngành y tế cần trình UBND tỉnh cho xây dựng các chuyên khoa như sản, đông y, khoa nhi…. thành phân viện riêng vì có như vậy mới giảm tải được cho bệnh viện đa khoa tỉnh. Và ở diện tích trên 10.000m2 đất, bệnh viện cũng nên xây một số công viên nhỏ, trồng cây xanh tạo bóng mát cho bệnh nhân giải trí. Nhà cao tầng, phòng lại hẹp, đi lại khó khăn, tạo những nơi thoáng mát là hết sức cần thiết, nhằm giúp người bệnh lấy lại cân bằng, hỗ trợ cho công tác điều trị.
Đối với người nhà bệnh nhân bệnh viện cần tuyên truyền xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự, bảo vệ của công… Có lẽ bây giờ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi mới có nhà cao tầng, sử dụng hệ thống thang máy. Nếu không có ý thức bảo vệ, thì nó sẽ trở thành nơi tiêu khiển cho đám thiếu nhi theo gia đình vào thăm nuôi bệnh nhân (các cậu bé cứ tha hồ bấm số thang máy đi lên đi xuống, gây trở ngại cho việc di chuyển của thầy thuốc và người khác, nên cũng thường xuyên gây ra sự cố).
Bệnh viện đã đưa vào sử dụng một năm, nhưng một số nơi công trình đã xuống cấp, cửa phòng số 1 khoa X.quang đã vỡ một mảng tường rất khó coi; nhiều cửa kính đã bị gió đánh vỡ vì không có móc bảo vệ, nếu không kịp thời sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện… Mong rằng lãnh đạo bệnh viện, ban quản lý công trình của ngành y tế và cơ quan chức năng cần nghiên cứu ,để sớm có giải pháp khắc phục.
Vũ Tùng Vi