Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Khả thi huy động vốn

09:05, 27/05/2010
.

Nếu được Chính phủ thông qua, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ là công trình giao thông có quy mô lớn nhất được triển khai tại khu vực miền Trung.
 
Với tổng mức đầu tư lên tới 29.203 tỷ đồng (tương đương 1,537 tỷ USD), Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là phân đoạn lớn nhất của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, riêng phần chi phí xây dựng công trình là 20.693 tỷ đồng.
 
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông
 
Theo Tờ trình đề nghị phê duyệt Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà Bộ Giao thông - Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường cao tốc đi qua địa phận TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tuyến đường nằm ở phía Tây Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất, được bắt đầu tại điểm nối Quốc lộ 1 thuộc phía Nam TP. Đà Nẵng và kết thúc tại điểm nối với Quốc lộ 1 thuộc phía Nam TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Tổng chiều dài tuyến đường là 139,5 km, bao gồm 2 đoạn: tuyến cao tốc có chiều dài 131,49 km và đoạn nối cuối tuyến từ TP. Quảng Ngãi với tuyến tránh phía Đông, thị trấn La Hà, Quốc lộ 1 dài 8,02 km.
 
Không chỉ lớn về quy mô, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn được xây dựng theo tiêu chuẩn cao nhất: đường ô tô cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ gồm 6 làn xe cơ giới; trước mắt, sẽ đầu tư xây dựng 4 làn xe với chiều rộng nền đường 26 m. Ngoài hệ thống các công trình phụ trợ đồng bộ (trung tâm điều hành, trạm dịch vụ nghỉ ngơi, trạm dừng xe), tuyến đường sẽ được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) gồm: các trạm thu phí 1 dừng, hệ thống camera, đếm xe, theo dõi khí tượng và kiểm soát quá tải…
 
Tổng diện tích đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án khoảng 984 ha, trong đó có khoảng 73 ha đất ở, 451 ha đất nông nghiệp… Để có đủ mặt bằng triển khai Dự án, UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng - chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng - sẽ phải xây dựng 21 khu tái định cư với diện tích 227.000 m2 cho 839 hộ tái định cư bắt buộc trên tổng số 7.825 hộ dân tại 38 xã bị ảnh hưởng.
 
Sau rất nhiều cân nhắc, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cuối cùng đã được Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Chính phủ giao Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Với việc áp dụng hình thức đầu tư BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu), phương án huy động vốn cho Dự án sẽ được thực hiện theo cơ chế: Chính phủ đứng ra vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để VEC vay lại theo quy định hiện hành. Bộ Giao thông - Vận tải đóng vai trò là cơ quan chủ quản, VEC - với tư cách là nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thực hiện Dự án và có nghĩa vụ hoàn vốn đầu tư bao gồm cả gốc và lãi.
 
Dự kiến, Dự án sẽ vay vốn ODA khoảng 1.327 triệu USD từ các nhà tài trợ quốc tế cho các hạng mục xây lắp, dịch vụ tư vấn, hệ thống ITS…; phần vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 209,9 triệu USD sẽ được dùng để giải phóng mặt bằng; rà phá bom mìn, quản lý dự án…
 
Theo ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có nhiều thuận lợi trong việc huy động vốn. “Hiện WB đã đồng ý tài trợ 80 triệu USD vốn vay ưu đãi từ nguồn Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và 500 triệu USD vốn vay thương mại từ Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD) cho Dự án. Bên cạnh đó, JICA đã nghiên cứu và rất quan tâm tới Dự án. Giá trị khoản vay JICA sẽ được xác định cụ thể trong quá trình tiền thẩm định và thẩm định Dự án, dự kiến bắt đầu từ tháng 7/2010”, ông Đức tiết lộ.
 
Sở dĩ Dự án phải sử dụng vốn ngân sách và có tính ngân sách, đồng thời giao VEC - một doanh nghiệp nhà nước - làm chủ đầu tư là do công trình có chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) rất thấp - 3,7%, thời gian hoàn vốn kéo dài (khoảng 33 năm), khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn đầu tư.
 
“Việc công trình có chỉ số nội hoàn kinh tế (EIRR) khá cao - 14,5%, đòi hỏi Nhà nước cần sớm bỏ vốn đầu tư”, ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc VEC cho biết.
 
Theo báo Đầu tư

.