Dịch vụ công trực tuyến: Ngư dân chưa mặn mà

02:04, 23/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, tiết kiệm chi phí đi lại. Thế nhưng, thời gian qua, tỷ lệ ngư dân tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bằng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn ở mức thấp.
Vẫn nộp hồ sơ giấy
 
Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là TTHC có thể nộp trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của tỉnh, nhưng ngư dân Trần Bình Nguyên, chủ tàu QNg 97659 TS, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vẫn vượt quãng đường trên 10km từ nhà đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nộp hồ sơ trực tiếp, thay vì ngồi nhà và thực hiện TTHC qua mạng. 
 
Ngư dân vẫn giữ thói quen nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp  tại các cơ quan, đơn vị.
Ngư dân vẫn giữ thói quen nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị.
“Mỗi lần đi làm TTHC, tôi phải nghỉ biển rồi sắp xếp thời gian đi làm, hoặc nếu không sắp xếp được thì phải ủy quyền rồi nhờ người đi làm để kịp hoàn tất các thủ tục theo quy định. Dù biết nộp hồ sơ trực tiếp mất nhiều thời gian, công sức hơn, nhưng tôi còn khá mơ hồ về cách thức đăng ký thực hiện TTHC qua mạng, nên chưa dám đăng ký, vì lỡ sai sót, lại phí công”, ngư dân Trần Bình Nguyên cho biết.
 
Không chỉ riêng ngư dân Trần Bình Nguyên, mà theo chia sẻ của nhiều chủ tàu, nguyên nhân khiến ngư dân chưa tự tin sử dụng dịch vụ công trực tuyến là vì khả năng sử dụng Internet của ngư dân còn hạn chế. Trong khi đó, hầu hết các TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đều yêu cầu đính kèm ảnh của nhiều thành phần giấy tờ, có thủ tục còn yêu cầu nộp trực tiếp bản gốc của giấy tờ... Thế nên, phần lớn ngư dân đều lựa chọn hình thức nộp trực tiếp.
 
Đẩy mạnh tuyên truyền
 
Nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân trong thực hiện các TTHC  trong lĩnh vực thủy sản gồm: Cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; xóa đăng ký tàu cá; cấp văn bản chấp thuận đóng mới/cải hoán/thuê/mua tàu cá trên biển; cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; cấp/cấp lại giấy phép khai thác thủy sản; cấp/cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản đã được Sở NN&PTNT đưa vào danh mục dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. 
 
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh, đây đều là những thủ tục có số lượng phát sinh hồ sơ lớn trong năm, thành phần hồ sơ đơn giản, rất dễ triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ ngư dân đăng ký giải quyết TTHC qua mạng vẫn còn ở mức thấp. Theo đó, từ ngày 1.1 - 16.4.2020, Sở NN&PTNT tiếp nhận 2.574 hồ sơ TTHC trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có 490 hồ sơ trực tuyến (19%).
 
“Để khắc phục tình trạng ngư dân chưa mặn mà với việc giải quyết hành chính công trực tuyến, các cán bộ phụ trách nhận hồ sơ của đơn vị tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn; thậm chí tạo tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến giúp ngư dân. Thế nhưng, phần lớn ngư dân, dù được tạo tài khoản, vẫn tiếp tục đến nộp hồ sơ trực tiếp. Để từng bước tăng tỷ lệ ngư dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Chi cục Thủy sản tỉnh rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương trong tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân mạnh dạn tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện TTHC”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết.
Bưu cục cấp 2 sẽ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho ngư dân
 
Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Thị Nhung thông tin: “Khi cần thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngư dân có thể đến các điểm Bưu cục cấp 2 để được nhân viên bưu điện hướng dẫn thành phần hồ sơ và giúp hoàn thành hồ sơ. Sau khi đăng ký qua mạng, nếu hồ sơ cần nộp trực tiếp một số giấy tờ liên quan, ngư dân có thể đăng ký tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm chi phí, thời gian đi lại”.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 
 

.