Quản lý cơ sở gây nuôi động vật hoang dã

06:12, 26/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) phát triển, lực lượng kiểm lâm của tỉnh cũng tăng cường nhiều biện pháp quản lý nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực này.
 
[links()]
 
Ông Hồ Duy Trung, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), là một trong những người tiên phong nuôi cầy vòi hương ở địa phương. Ông Trung cho biết, cầy vòi hương là động vật nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, nên khi quyết định chăn nuôi loài động vật này, tôi đã chủ động liên hệ với Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hành và chính quyền địa phương để được hướng dẫn làm thủ tục gây nuôi, cấp mã số cơ sở nuôi ĐVHD. Tuân thủ theo đúng quy trình, hướng dẫn của các lực lượng chức năng, trang trại nuôi cầy vòi hương của tôi ngày càng phát triển. Từ vài con ban đầu, đến nay, tôi đã mở rộng chuồng trại nuôi hơn 50 con cầy vòi hương sinh sản.
 
Lực lượng kiểm lâm của tỉnh kiểm tra một cơ sở gây nuôi cầy vòi hương.
Lực lượng kiểm lâm của tỉnh kiểm tra một cơ sở gây nuôi cầy vòi hương.
“Để đảm bảo an toàn cho việc gây nuôi, phát triển đàn cầy vòi hương, tôi đã chấp hành nghiêm quy định về nguồn gốc, điều kiện chuồng trại và hoạt động thương mại, thông qua hướng dẫn của các lực lượng chức năng. Việc có đầy đủ hồ sơ chứng nhận nguồn gốc trong chăn nuôi, mua bán cầy vòi hương đã khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm và giúp đầu ra tiêu thụ được thuận lợi, mà không vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Bình quân mỗi năm, tôi có thu nhập hơn 800 triệu đồng từ hoạt động chăn nuôi cầy vòi hương”, ông Trung cho hay.
 
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 82 cơ sở gây nuôi ĐVHD, với hơn 2.100 cá thể, chủ yếu là cầy vòi hương, cầy vòi mốc, nhím, dúi, rùa, chim trĩ các loại. Đây là những loài có giá trị kinh tế cao trên thị trường, trong khi số lượng cá thể trong tự nhiên đang có xu hướng giảm. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã hướng dẫn quy trình xin cấp mã số trại nuôi ĐVHD, chuồng trại, sổ theo dõi và các quy định liên quan cho các hộ chăn nuôi ĐVHD. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn ĐVHD, thông qua các hình thức sân khấu hóa, phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động. Nhờ đó, tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD giảm đáng kể. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ vi phạm về ĐVHD. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã tiếp nhận, cứu hộ, thả về tự nhiên 13 cá thể ĐVHD thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng, việc gây nuôi các loài ĐVHD là một trong những biện pháp bảo tồn nguồn gen quý hiếm, giảm áp lực lên môi trường tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Để quản lý tốt các cơ sở gây nuôi ĐVHD, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất, nhằm kịp thời xử lý những cơ sở nuôi nhốt lợi dụng mua ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa, trục lợi. “Cuối năm là thời điểm diễn ra hoạt động kinh doanh, tiêu thụ ĐVHD nhiều nhất trong năm. Do đó, lực lượng kiểm lâm của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ, vận chuyển trái phép ĐVHD, hạn chế thấp nhất trường hợp vi phạm”, ông Hưng cho biết.
 
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
 
 

.