12 người chết do tai nạn giao thông ngày nghỉ lễ 30/4

09:04, 30/04/2022
.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 9 người. 
 
Lưu lượng giao thông tăng đột biến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày đầu nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Lưu lượng giao thông tăng đột biến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày đầu nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
So với cùng kỳ ngày 30/4/2021, tăng 5 vụ tai nạn giao thông (+20,8%), giảm 1 người chết (-7,69%), giảm 2 người bị thương (-18,1%).
 
Trong đó, đường bộ: xảy ra 29 vụ, làm chết 12 người, bị thương 9 người. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
 
Về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, qua báo cáo của 63 địa phương và các đội thuộc Cục Cảnh sát giao thông lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 7.793 trường hợp; ra quyết định xử phạt 12 tỷ 575 triệu đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 883 trường hợp; tạm giữ 102 ô-tô, 1.108 mô-tô và 15 phương tiện khác.
 
Các lỗi vi phạm tập trung xử lý gồm: nồng độ cồn 527 trường hợp; ma túy 6 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 198 trường hợp; quá khổ giới hạn 41 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 10 trường hợp; chở quá số người quy định 115 trường hợp; vi phạm tốc độ 696 trường hợp; phần đường, làn đường 159 trường hợp; tránh, vượt 36 trường hợp; dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định 404 trường hợp; không có giấy phép lái 472 trường hợp; không chấp hành tín hiệu giao thông, hiệu lệnh dừng xe 232 trường hợp; mũ bảo hiểm 1.236 trường hợp; vi phạm khác 2.292 trường hợp.
 
Lưu lượng giao thông tăng đột biến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
 
Trong ngày đầu nghỉ lễ đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tại khu vực nội thành Hà Nội, từ 15 giờ ngày 29/4, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao đột biến tại các cửa ngõ phía nam và phía đông Hà Nội do người dân di chuyển khỏi thành phố Hà Nội để nghỉ lễ.
 
Trên các tuyến vành đai và trục xuyên tâm Thủ đô như: Vành đai 3 trên cao, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Thanh Xuân, Nguyễn Trãi, quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long, lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến tăng cao, đặc biệt là xe vận tải hành khách và xe ô-tô con.
 
Nhiều điểm xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện tại các ngã ba, ngã tư do người dân dừng chờ nhịp đèn trong khi mật độ phương tiện quá lớn di chuyển trên các tuyến này để ra khỏi thành phố Hà Nội như: Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến-Phạm Hùng-Nguyễn Xiển; đường Láng; Chùa Bộc-Thái Hà; Giải Phóng-Trường Chinh-Ngã Tư Sở; Trần Nhật Duật-cầu Chương Dương...
 
Khu vực bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm, bến xe Mỹ Đình đông phương tiện chở khách và hành khách, các phương tiện di chuyển bình thường. Đầu cầu Vĩnh Tuy, hướng từ Minh Khai đi Long Biên, do công trình đang thi công, thu hẹp làn đường nên các phương tiện di chuyển chậm, ùn ứ.
 
Trên tuyến dẫn lên sân bay Nội Bài, khu vực cầu Nhật Tân, lưu lượng phương tiện tăng cao, các phương tiện di chuyển chậm tuy nhiên không xảy ra ùn tắc giao thông.
 
Đặc biệt trên tuyến vành đai 3 trên cao, trong khoảng thời gian từ 17 giờ đến 23 giờ 30 phút, xảy ra 3 vụ va chạm nhẹ giữa các phương tiện lưu thông cùng chiều; tuy không thiệt hại về người và tài sản nhưng làm tình trạng ùn ứ tăng cao, các phương tiện di chuyển rất chậm, đến 23 giờ 30 phút lưu lượng phương tiện mới giảm triệt để, di chuyển ổn định.
 
Trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình (đặc biệt khu vực từ Km185 đến Km188), cao tốc Hà Nội-Lào Cai (lối vào cao tốc hướng về Hà Nội), cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên lưu lượng phương tiện tăng cao, di chuyển chậm. Tuy nhiên, không xảy ra ùn tắc kéo dài, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Cục đã bố trí tối đa lực lượng phương tiện thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông.
 
Lực lượng cảnh sát giao thông các đơn vị địa bàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị, địa phương đã chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp hướng dẫn phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông đảm bảo giao thông di chuyển an toàn, thông suốt không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
 
Tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương giáp ranh, khu vực cửa ngõ ra vào thành phố trời mưa, người dân về quê nghỉ lễ nên lưu lượng phương tiện tăng đột biến, các phương tiện di chuyển chậm.
 
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường lực lượng triển khai phương án phân luồng, điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc.
 
Trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (Km 17+600), Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương lưu lượng phương tiện đông, di chuyển chậm tại các nút giao, không xảy ra ùn tắc.
 
Trên các tuyến, lực lượng cảnh sát giao thông của Cục cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị, địa phương có liên quan đã chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp hướng dẫn phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông bảo đảm giao thông di chuyển an toàn, thông suốt không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
 
Theo đánh giá chung của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại các tuyến đường cửa ngõ và tại các bến xe, nhà ga, sân bay, đặc biệt là tại các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc ra, vào cửa ngõ của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 
Mặc dù số người chết và số người bị thương giảm, song số vụ tai nạn giao thông lại tăng so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2021.
 
Lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải tiếp tục hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là chỉ huy giao thông, trực tiếp phân luồng để kéo giảm ùn tắc giao thông, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải.
 
Phần lớn người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
 
Theo LÊ TÚ - BÔNG MAI/Nhandan.vn
 

.