Tăng tiền xử phạt vi phạm giao thông

08:01, 12/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để hạn chế tối đa tai nạn giao thông (TNGT), cũng như vấn nạn xe quá tải quá khổ, người lái xe ô tô không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi... Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021, với rất nhiều quy định xử phạt tăng nặng đối với các hành vi vi phạm.
[links()]
 
Xe chở quá tải: Phạt cao nhất 150 triệu đồng  
 
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát và xử lý đối với các phương tiện vi phạm về tải trọng. Tuy nhiên, tình trạng xe chở quá tải, quá khổ, vi phạm các quy định về tải trọng thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh dẫn đến hư hỏng hạ tầng, gây mất an toàn giao thông, bởi mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với tài xế và chủ phương tiện.
 
Lực lượng liên ngành Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông xử phạt các trường hợp vi phạm về tải trọng trên địa bàn KKT Dung Quất.
Lực lượng liên ngành Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông xử phạt các trường hợp vi phạm về tải trọng trên địa bàn KKT Dung Quất.
Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT Lê Tấn Hải, trong số các hành vi vi phạm về quá tải, quá khổ thường nhận thấy đó là xe chở nông lâm sản, chở vật liệu xây dựng... Trong đó, “điểm nóng” là trên địa bàn KKT Dung Quất. 
 
“Tuy nhiên, việc kiểm tra tải trọng xe đang gặp phải khó khăn, vì các phương tiện ngầm thông báo cho nhau khi phát hiện trạm cân lưu động hoạt động để dừng hoạt động hoặc chuyển sang đi đường khác để “né” chốt. Đồng thời, nhiều phương tiện vi phạm nhiều lần trong thời gian ngắn. Điều đó cho thấy mức xử phạt chưa đủ răn đe nên vi phạm vẫn tái diễn”, ông Hải nói.
 
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó, thay vì 5 mức như hiện hành (10 - 20%, 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150% và trên 150%) với mức phạt từ 1 - 16 triệu đồng, thì tại Nghị định 123 chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: Từ 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50%, với mức xử phạt lần lượt là 4 - 6 triệu đồng, 13 - 15 triệu đồng và 40 - 50 triệu đồng. Đồng thời, chủ phương tiện cũng bị tăng mức phạt từ 18 - 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36 - 150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.
 
Theo ông Hải, với mức xử phạt như Nghị định 123, nếu một xe tải vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất hay lái xe và chủ xe là cá nhân, mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng. Đây là mức phạt kịch khung cần thiết để hạn chế tối đa phương tiện chở quá tải, quá khổ nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
 
Mức xử phạt mới tăng gấp 10 lần 
 
Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được xem là khá mạnh tay với các trường hợp vi phạm về hoạt động giao thông. Tuy nhiên, thực tế qua hơn 2 năm áp dụng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Thế nên, việc Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 “đánh” trực tiếp vào túi tiền đối tượng vi phạm với kỳ vọng góp phần giúp tình hình trật tự ATGT tốt hơn.
 
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Phiến, các quy định mới đều tăng mức xử phạt rất nặng. Đơn cử như hành vi chở quá số người quy định trên xe khách mà chủ xe là cá nhân, thì sẽ phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng/người. Đối với chủ xe là doanh nghiệp, phạt tiền 2 - 4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Đối với người lái xe ô tô, nhiều mức phạt vi phạm được tăng từ 1,5 - 2 lần. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông như lái xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với Nghị định 100 và tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
 
“Riêng với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng như đua xe, sản xuất, kinh doanh, sử dụng biển số giả mức xử phạt tăng lên gấp 10 lần so với trước đây. Trong đó, hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng biển số giả bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với cá nhân (mức cũ là 1 - 2 triệu đồng) và 20 - 24 triệu đồng đối với tổ chức (mức cũ là 2 - 4 triệu đồng). Không chỉ với ô tô, các vi phạm liên quan đến mô tô, xe máy cũng bị tăng nặng mức xử phạt. Cụ thể, đối với người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm bị phạt 200 - 300 nghìn đồng hiện nay sẽ tăng lên 400 - 600 nghìn đồng. Không có giấy phép lái xe bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Việc điều chỉnh những hành vi nguy hiểm theo hướng tăng mức phạt để làm sao vừa đảm bảo tính răn đe nhưng phải khả thi. Với mức phạt này, khi đi vào thực tế kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm”, ông Phiến nói.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

.