Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã làm cho nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tiếp tục tăng cao dẫn đến việc nhiều đối tượng lợi dụng điều này để buôn lậu, kiếm lời bất chính.
Lực lượng chức năng trong thời gian gần đây đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển trái phép khẩu trang ra nước ngoài tiêu thụ, tuy nhiên, vẫn cần thiết một chế tài xử lý thích đáng với hành vi này để tạo sự răn đe.
Liên tiếp bắt giữ khẩu trang xuất lậu
Mới đây, vào ngày 13/3, trong quá trình kiểm tra, giám sát tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, lực lượng chức năng đã phát hiện xe khách giường nằm (nhà xe Nam Béo) mang BKS 29B-043.57 chạy tuyến Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 13 thùng carton, bên trong chứa gần 30.000 khẩu trang y tế, 98 bộ đồ áo bảo hộ y tế do Việt Nam sản xuất. Qua đấu tranh, phụ xe khai nhận vận chuyển số khẩu trang trên do 2 người gửi tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) sang bến xe Viêng Chăn (Lào) giao cho một người Lào để lấy tiền công 6,5 triệu đồng. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ tang vật một vụ xuất lậu khẩu trang. |
Trước đó, vào chiều ngày 3/3, Công an TP.HCM phối hợp Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số 4 đường Lương Thế Vinh, quận Tân Phú, TP.HCM. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 400 thùng hàng, bên trong chứa khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại. Tất cả số hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Theo nhận định ban đầu của cơ quan công an, sau khi gom khẩu trang, các đối tượng trong đường dây đưa hàng sang Campuchia, từ đó đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng trên để tiếp tục điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến hành vi xuất lậu khẩu trang, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài mới đây cũng đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ vận chuyển trái phép gần 190.000 chiếc khẩu trang y tế qua biên giới Campuchia. Cụ thể, vào ngày 11/3, tại luồng xuất cảnh phương tiện vận tải cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện một xe khách cất giấu 187.950 khẩu trang y tế các loại. Tất cả số khẩu trang trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không thực hiện khai báo hải quan. Xét thấy hành vi trên của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được quy định tại Điều 189 - BLHS 2015, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã lập biên bản đối với lái xe và phụ xe. Đồng thời, ra quyết định khởi tố hình sự vụ án, bàn giao hồ sơ, đối tượng và tang vật vụ án cho Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Cần thiết một chế tài xử lý thích đáng
Theo đại diện cơ quan hải quan, ngay sau khi dịch xuất hiện và diễn biến phức tạp ở các nước thì tình hình xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế bắt đầu phát sinh và diễn biến nóng. Ban đầu, các đối tượng vận chuyển nhỏ lẻ số lượng từ 10.000 - 20.000 chiếc/chuyến trên các phương tiện thô sơ. Tuy nhiên sau đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các đối tượng chuyển sang vận chuyển số lượng lớn với phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn. Theo đánh giá, tình hình xuất lậu khẩu trang có thể còn diễn biến phức tạp hơn khi chênh lệch giá khẩu trang trong nước và nước ngoài đang khá lớn (giá bán khẩu trang ở nước ngoài có thể lên đến 500.000 - 600.000đồng/hộp).
Trong khi đó, mức xử phạt hành chính cho trường hợp xuất lậu khẩu trang y tế chưa đủ tính răn đe. Theo quy định, khi lô hàng buôn lậu có trị giá 100-300 triệu đồng thì xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, giá khẩu trang y tế theo niêm yết rất thấp, trong khi rất khó để xác định giá trị lô hàng theo giá thị trường. Đó là chưa kể khi bắt giữ được những vụ vận chuyển, lực lượng chức năng sẽ rất khó truy ra chủ lô hàng, do các đối tượng bị bắt giữ chủ yếu vận chuyển thuê. Vì vậy, để công tác chống xuất lậu khẩu trang y tế đạt hiệu quả, góp phần giảm khan hiếm cục bộ trong nước, bên cạnh việc siết chặt quản lý thì rất cần thiết một chế tài xử lý thích đáng với hành vi này, tạo ra sự răn đe.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn về tiêu chuẩn khẩu trang y tế. Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế...
Thế Vinh/Báo SKĐS