(Baoquagngai.vn)-
Ở cái tuổi hơn 50, thay vì quây quần hạnh phúc bên gia đình, vợ chồng ông Trương Văn Chuyển và bà Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) lại "dắt nhau" vào tù vì tội "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ". Với tổng mức án 24 năm tù mà tòa tuyên án là cái giá phải trả cho hành vi phạm của hai vợ chồng ông.
TIN LIÊN QUAN |
---|
TAND tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với vợ chồng bị cáo Trương Văn Chuyển (1965) về tội “Tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ” và Nguyễn Thị Kim Liên (1967) về tội “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ”
Hai bị cáo đều đã luống tuổi. Tóc trên đầu đã lưa thưa sợi bạc. Cả hai ủ rũ đứng trước tòa. Sau lưng họ là những đôi mắt lo lắng của người thân.
Theo cáo trạng truy tố, vào lúc 8 giờ ngày 25.4.2019, tổ công tác của Đồn biên phòng Bình Đông, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang làm nhiệm vụ tại thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn) phát hiện và bắt quả tang bị cáo Trương Văn Chuyển đang điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 76C1 - 35205 vận chuyển trái phép 50kg thuốc nổ để mang đi tiêu thụ.
Cùng ngày, Đồn Biên phòng Bình Đông đã ra Lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của bà Vương Thị Đọt, là mẹ ruột của Trương Văn Chuyển ở xã Bình Thuận (Bình Sơn).
Khi lực lượng khám xét đến chỗ ở của bà Đọt thì phát hiện và bắt quả tang bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên đang vận chuyển trái phép 25kg thuốc nổ từ nhà bà Đọt để đem đi cất giấu. Qua khám xét khẩn cấp tại chỗ ở của bà Đọt, lực lượng chức năng còn phát hiện và thu giữ thêm 552,5 kg thuốc nổ, 1.150 kíp nổ và 100,5m dây cháy chậm.
Vợ chồng bị cáo Chuyển và Liên tại phiên tòa xét xử |
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Chuyển khai nhận, trong một lần đi cùng chuyến xe vào năm 2018, Chuyển tình cờ có quen với một người đàn ông tên Công, quê ở tỉnh Quảng Nam. Biết Chuyển là dân đi biển nên người dân ông này có đặt vấn đề hỏi Chuyển có mua thuốc nổ để đi biển và bán lại cho những người khác hay không? Sau đó, Chuyển và ông Công thống nhất trao đổi số điện thoại với nhau để dễ liên lạc và thuận tiện trong việc mua bán.
Khoảng 11 giờ một ngày đầu tháng 4.2019, ông Công điện thoại cho Chuyển hỏi có mua thuốc nổ hay không? Lúc này, Chuyển đồng ý mua và hai bên thống nhất với giá 106.000đ/kg, Công nói lần này sẽ bán cho Chuyển 100kg và hẹn khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày gặp nhau tại khu vực Dốc Sỏi thuộc huyện Bình Sơn để giao nhận hàng.
Tối hôm đó, bị cáo Chuyển điều khiển xe máy đến địa điểm đã hẹn trước đó để gặp Công. Khi đến nơi Chuyển đã thấy ông Công đứng đợi, trên xe có chở 2 bao thuốc nổ, do chân của Chuyển còn đau sau tai nạn giao thông nên bị cáo Chuyển đã đề nghị Công chở luôn hai bao thuốc nổ đến nhà của Trương Thành Đạt (em ruột của Chuyển, đã chết năm 2009) tại thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (ngôi nhà này hiện tại bà Đọt, mẹ ruột của Chuyển quản lý) để cất giấu. Khi đến nơi Chuyển đưa cho Công số tiền 10,6 triệu đồng, lấy tiền xong Công ra về.
Với thủ đoạn như trên, liên tiếp trong những ngày sau đó, bị cáo Trương Văn Chuyển còn tiếp tục mua thêm của ông Công sáu lần khác, với tổng cộng 627,5kg thuốc nổ, 1150 kíp nổ và 100,5m dây cháy chậm, với tổng số tiền là 64,1 triệu đồng.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên, sau khi nghe tin chồng mình bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang chở thuốc nổ đi tiêu thụ, bị cáo Liên đã qua nhà của bà Đọt để tìm thử có thuốc nổ hay không với mục đích đem tẩu tán. Khi Liên tìm dưới bếp không thấy, tiếp tục vào phòng ngủ của bà Đọt thì phát hiện có một bao thuốc nổ để trong phòng. Thấy vậy, bị cáo Liên liền đưa đi tẩu tán. Đúng lúc này lực lượng chức năng đến khám xét và phát hiện bắt quả tang.
Điều đáng nói, trước đó, bị cáo Liên đã từng bị TAND huyện Bình Sơn xử phạt 18 tháng tù treo về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ” vào năm 2003.
Tại phiên tòa xét xử, sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, HĐXX TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Trương Văn Chuyển 18 năm tù về tội “Tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ”, bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên 4 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ”.
Mưu sinh bằng những việc làm trái pháp luật, dù ở góc độ nào cũng khó thứ tha. Mưu sinh bằng buôn bán, vận chuyển vật liệu nổ trái phép còn mang đến nhiều hệ lụy khôn lường. Bản án của vợ chồng bị cáo Trương Văn Chuyển và bà Nguyễn Thị Kim Liên là hình phạt thích đáng với tội danh mà họ gây ra.
BĐBP Quảng Ngãi bắt quả tang một vụ vận chuyển và buôn bán vật liệu nổ (ảnh TL) |
Pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ trái phép, song thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt, nhưng vì lợi nhuận thu được vượt xa số vốn bỏ ra nên nhiều đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật để "hành nghề" dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt quả tang 3 vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ trái phép, thu giữ trên 700kg thuốc nổ, 1.050 kíp nổ và gần 120m dây cháy chậm.
Qua tìn hiểu của chúng tôi, các đối tượng thu mua thuốc nổ chỉ có giá khoảng 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng mỗi kg thuốc nổ, tuy nhiên, khi bán cho người sử dụng thì giá dao dộng từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/kg. Vì lợi nhuận quá lớn một số nên đối tượng liều thu gom thuốc nổ ở nhiều nơi ở ngoại tỉnh rồi đưa về nơi ở cất dấu, chờ thời cơ tiêu thụ.
Hầu hết các vụ vận chuyển thuốc nổ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đánh bắt hải sản trên biển. Song hệ lụy đi cùng là ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự, đe dọa đến môi trường và là mối hiểm nguy đối với nhiều người.
Chính vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ buôn bán vận chuyển thuốc nổ của lực lượng chức năng, mỗi người dân phải tự ý thức về tính nguy hại của việc buôn bán cũng như tiếp tay cho loại tội phạm này, góp phần cùng với lực lượng chức năng giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển.
Theo quy định tại Điều 305 Bộ Luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì:
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
|
PV- CTV