TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại xã Phổ Minh (Đức Phổ), cuối năm 2018 đã xảy ra trường hợp ông L.N.T (46 tuổi) bị giết ngay tại nhà của mình. Thủ phạm là L.T.K.P (21 tuổi), con gái của ông T bị bệnh tâm thần sống chung cùng với gia đình. Trước khi gây ra án, P đã nhiều lần nhập viện điều trị bệnh tâm thần.
Tình trạng người tâm thần không còn khả năng kiểm soát hành vi, dẫn đến những hành động nguy hiểm đang là nỗi lo của toàn xã hội. Nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua hầu hết là người thân của đối tượng. Các đối tượng tâm thần gây án đều trong tình trạng bệnh trở nặng, không uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 10 vụ án do người tâm thần gây ra.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. |
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 6.000 người bị bệnh tâm thần ở 2 dạng bệnh nặng là tâm thần phân liệt và động kinh. Đây là những người bệnh có sổ theo dõi, được cấp phát thuốc tại các cơ sở y tế xã, phường. Ngoài ra, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn quản lý hơn 1.000 bệnh nhân tâm thần ở các dạng bệnh lý khác.
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Đặng Trong cho hay: Phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm, dẫn tới bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
Từ thực tế nói trên cho thấy, công tác phòng ngừa người tâm thần gây án cần phải được quan tâm đúng mức. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 và tăng cường công tác phối hợp quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người bị bệnh tâm thần ngoài xã hội.
Trong đó nhấn mạnh, các sở, ngành liên quan cần rà soát, lên danh sách người bị bệnh tâm thần, hoặc có biểu hiện bị bệnh tâm thần, chú trọng người bị bệnh tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật để đưa vào diện quản lý, phòng ngừa về nghiệp vụ; chủ động phát hiện, ngăn chặn các vụ việc liên quan an ninh trật tự do người bị bệnh tâm thần gây ra; tổ chức điều tra, xử lý các vụ án do người bị bệnh tâm thần gây ra theo đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với các trường hợp người bị bệnh tâm thần điều trị ngoại trú thì cần có biện pháp theo dõi, cấp phát thuốc đặc trị kịp thời và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để người bệnh tâm thần được điều trị đúng phác đồ, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Bài, ảnh: PV