(Baoquangngai.vn)- Hàng loạt diện tích rừng thông hơn 30 năm tuổi, có đường kính gốc 20-40cm nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 24, đoạn qua các xã Ba Thành, Ba Cung, Ba Động (Ba Tơ) đang bị người dân đốn hạ lấn, chiếm đất để trồng cây keo nguyên liệu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Muôn kiểu phá hoại rừng thông
Khu vực rừng thông này thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ và Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông huyện Ba Tơ. Lợi dụng thời điểm nhiều diện tích cây thông nằm gần nương rẫy và xen với rừng của người dân địa phương, nên một số người dân đã lấn chiếm để trồng cây keo nguyên liệu. Điều đáng nói là họ dùng các vật dụng như dao, rựa… để vạt vỏ xung quanh gốc cây thông, làm cho cây chết dần.
Ghi nhận tại hiện trường, chỉ riêng tại khoảnh rừng sát Quốc lộ 24, đoạn qua xã Ba Cung đã có ít nhất 20 cây thông đã bị người dân phá hoại, bên cạnh đó là những cây keo vài ngày tuổi đã mọc lên xanh tốt. Được biết, những cây thông bị đốn hạ này đều đã hơn 30 năm tuổi, cao khoảng 20m và có đường kính gốc từ 20-40cm nằm ngổn ngang trên sườn đồi. Ngoài những thân cây đã bị đốt cháy, thì nhiều gốc cây còn vết vạt vỏ rất mới, mùi nhựa thông vẫn còn rất nồng.
|
Nhiều cây thông mới bị “đầu độc” bằng cách cứa vỏ xung quanh gốc cây để cây khô và chết dần.
|
Ở phía đồi đối diện, hàng chục cây thông lâu năm cũng đang dần chết đứng vì bị người dân dùng rựa, rìu…vạt vỏ xung quanh gốc cây. Nhiều cây có dấu hiệu khô chết dần, cành lá chuyển sang màu đỏ và bắt đầu khô rụng, không thể cứu chữa. Ước tính số lượng cây thông đang bị chết dần trong khu vực này lên tới hàng chục cây nằm san sát nhau. Theo thống kê từ cơ quan quản lý rừng thông Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ thì từ năm 2009 đến nay, tổng diện tích rừng thông bị phá, lấn chiếm trên 160.000m2, hơn 1.200 cây thông bị phá hoại.
Ông Phạm Mân, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ thừa nhận, diện tích này trước đều là rừng thông hết. Sau một thời gian, người dân đã lấn chiếm vạt cây chết, lấn đất, bằng nhiều thủ thuật như cứa bỏ phần vỏ gốc thông chờ chết dần rồi đốn hạ, lấn chiếm đất. Công ty đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương nhưng tình trạng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, người dân vẫn tiếp tục lấn chiếm.
Cần có giải pháp xử lý dứt điểm
Tình trạng phá hoại cây thông để lấn, chiếm đất trồng keo nguyên liệu đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn. Thời gian đầu, huyện Ba Tơ đã trồng được hàng ngàn hecta thông. Nhưng đến nay, diện tích thông còn lại chỉ hơn 14ha, một con số rất khiêm tốn.
Ông Đàm Minh Tâm, Phó Hạt trưởng kiểm lâm Ba Tơ cho biết: “Một số hộ dân cố tình phá rừng thông bằng nhiều thủ thuật như cứa bỏ phần vỏ gốc thông chờ chết dần rồi lấn chiếm đất. Lãnh đạo hạt đã chỉ đạo kiểm lâm viên kiểm tra để xử lý các đối tượng phá rừng. Thế nhưng, theo các quy định của pháp luật, các hành vi này chỉ có thể xử lý hành chính với mức phạt 3-5 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe.
|
Những cây thông hơn 30 năm tuổi bị đốn hạ, nhường chỗ cho cây keo nguyên liệu.
|
Còn ông Phạm Mân, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho rằng, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các đối tượng chặt phá rừng thông để lấy đất. Bởi vì công ty chỉ có trách nhiệm bảo vệ và quản lý diện tích rừng, không có chế tài xử lý.
Hiện nay, số diện tích thông còn lại được phân nhỏ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ bảo vệ và quản lý nên việc xử lý các trường hợp này không dứt điểm, hiệu quả không cao. Do đó, vấn đề đặt ra là, để quản lý, bảo vệ diện tích rừng thông còn lại, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng cố tình lấn chiếm đất rừng thông để trồng keo.
Có được những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi như huyện Ba Tơ là điều quý giá và hiếm có nhưng hiện tại rừng thông đang chết dần và nhường chỗ cho cây keo nguyên liệu. Nếu các ngành chức năng của huyện không sớm vào cuộc thì rừng thông có nguy cơ "xóa sổ" trong những năm tới. Đồng thời, những cánh rừng thông xanh bạt ngàn, rợp bóng mát vẫn được người ta ví von “đẹp như cung đường Đà Lạt” sẽ không còn nữa.
>>> Xem thêm video:
Bài, ảnh:
Thủy Tiên