Gian nan quản lý can phạm mắc bệnh tâm thần

09:12, 24/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong công tác quản lý, giam giữ các đối tượng vi phạm pháp luật, khó khăn nhất là quản lý những can phạm nhân bị bệnh tâm thần. Cán bộ làm công tác quản giáo phải nhiều phen “dở khóc, dở cười”.

TIN LIÊN QUAN

Đối với can phạm nhân có biểu hiện của bệnh tâm thần, khi đưa vào trại tạm giam, tạm giữ đều được đưa đi điều trị bắt buộc tại các cơ sở chữa bệnh. Tuy nhiên, vào thời điểm nghi phạm mới gây án, tất cả đều phải được tạm giữ để tiến hành các thủ tục cần thiết. Giai đoạn này có thể kéo dài cả tuần, có khi cả tháng, khiến cán bộ quản giáo gặp không ít khó khăn. Phạm nhân có biểu hiện tâm thần thường quậy phá, chống đối, không hợp tác với cán bộ quản giáo.

 Chiến sĩ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) áp giải can phạm nhân đi giám định pháp y tâm thần.
Chiến sĩ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) áp giải can phạm nhân đi giám định pháp y tâm thần.


Phó Giám thị Trại tạm giam (Công an tỉnh), Trung tá Nguyễn Đình Thân cho biết: Năm 2018, Trại tạm giam tiếp nhận giam giữ 8 can phạm nhân có biểu hiện tâm thần. Đơn vị không có bác sĩ và thuốc điều trị để ổn định tâm thần, vì vậy cán bộ quản giáo phải luôn túc trực, cảnh giác cao độ vì không biết lúc nào các can phạm nhân này “lên cơn”, không thể lường hết hành vi của họ.

Đơn cử như đối tượng Đinh Văn Theo, trú ở xã Long Sơn (Minh Long), trong lúc lên cơn tâm thần đã dùng rựa chém chết hai người con trai của mình. Khi vào trại, Theo biểu hiện lầm lì, không giao tiếp với ai, khi quản giáo đưa cơm vào, Theo bất ngờ dùng tay đánh vào mặt quản giáo. Còn đối với can phạm nhân Trần Thị Lộc, ở xã Đức Phong (Mộ Đức), người đã bạo hành mẹ già đến chết, khi vào trại thường xuyên la hét, đập đầu vào tường.

Còn đối tượng Phạm Thị Phi Phượng (trú quận 2, TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Bến thủy Nội địa Haduc, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) thường nghi ngờ quản giáo và các phạm nhân ở chung phòng đầu độc, giết hại mình, nên có hành vi xua đuổi, chửi bới suốt ngày đêm, luôn kêu la đau đầu và đòi được uống thuốc...

Không chỉ vất vả trong công tác giam giữ, cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam và Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh còn nhọc nhằn hơn khi áp giải, quản chế các đối tượng trên đi giám định tâm thần. Thời gian giám định thường kéo dài hàng tháng trời. Trong khoảng thời gian này, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải cùng ăn, cùng ngủ trong phòng bệnh để thực hiện nhiệm vụ quản chế phạm nhân.

Như trường hợp đối tượng Đinh Văn Theo, sau khi giết đứa con thứ hai, Theo được đưa vào khám, chữa bệnh bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 Đồng Nai. Khi mới nhập viện 10 ngày, Theo đã dùng tay cào hư mắt của mình. Bệnh viện yêu cầu Công an tỉnh Quảng Ngãi phải cử lực lượng vào hỗ trợ quản chế, giám sát. Sau đó, Công an tỉnh cử hai chiến sĩ thay nhau quản chế và chăm nuôi Theo suốt 20 ngày. Không chỉ cho ăn, các chiến sĩ còn phải làm vệ sinh, tắm rửa cho Theo.

Vượt lên tất cả những nhọc nhằn, vất vả của công việc, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho can phạm nhân. Sau những kỷ niệm “dở khóc, dở cười”, đọng lại trong mỗi cán bộ, chiến sĩ là nỗi trăn trở về cuộc đời của những can phạm nhân mắc bệnh tâm thần. Bởi khi phát bệnh, họ không thể kiểm soát hành vi của mình và đã gây ra nỗi đau cho gia đình, cộng đồng, khiến bản thân phải rơi vào vòng lao lý.


Bài, ảnh: Hà Xuyên

 


.