Tăng thu từ khai thác quỹ đất: Cần giải pháp phù hợp

02:08, 22/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, Quảng Ngãi đẩy mạnh tăng thu ngân sách từ khai thác quỹ đất thông qua nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất là cho phép thực hiện các dự án khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT). Tuy nhiên, việc triển khai này cần có tầm nhìn chiến lược, thực hiện một cách khoa học, tránh nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, nhưng mục tiêu tăng thu lại không đạt được.

TIN LIÊN QUAN

Một góc KDC Bắc Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi)
Một góc KDC Bắc Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi)


Hiện tại, toàn tỉnh có đến hàng chục dự án KDC, KĐT do các DN, chính quyền cấp huyện và xã làm chủ đầu tư, với tổng số lô nền theo thiết kế ban đầu gần 30.000 lô. Dự án có diện tích lớn lên đến vài chục hecta, nhưng cũng có nhiều dự án chỉ có 3 - 4ha. Có dự án thực hiện đúng mục tiêu là "khai thác quỹ đất vùng bỏ khoang, giá trị sản xuất không cao", song cũng có dự án lấy đất ruộng loại "bờ xôi ruộng mật" san lấp thành KDC, trong khi bài toán giải quyết việc làm cho nông dân chưa được quan tâm.

Số dự án hoàn thành hạ tầng, đưa vào khai thác, bán đấu giá theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay; còn lại hầu hết là thi công dang dở, thậm chí quá thời hạn thực hiện (6 tháng kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư). Tháng 6.2018, UBND tỉnh có báo cáo về tiến độ các dự án KDC, KĐT, với số lượng 52 dự án, trong đó chỉ có số ít dự án đã hoàn thành hạ tầng, còn lại đang thực hiện dang dở; nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài hàng chục năm. Việc để xảy ra chậm tiến độ chính là nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất của tỉnh không đạt (theo biểu đồ).

 


 

Trưởng khoa Kinh tế, Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp tại Quảng Ngãi, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: “Không bán rẻ tài nguyên đất đai”

Tạo nguồn thu từ khai thác quỹ đất công là cần thiết đối với tình hình Quảng Ngãi hiện nay. Tuy nhiên, đất đai là nguồn tài nguyên có hạn, cần phải tính toán hợp lý và tuân thủ pháp luật đất đai, quy hoạch... Quá trình thực hiện cần công khai, không chỉ nhắm đến số tiền thu được, mà phải căn cứ vào nhu cầu xã hội và yêu cầu chỉnh trang, phát triển đô thị. Việc khai thác các dự án KDC, KĐT phải đi cùng với khu dịch vụ, thương mại, giải quyết việc làm, nhất là cho người dân mất đất có việc làm, nhằm ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.

Quá trình khai thác phải tổ chức rà soát các dự án, dứt khoát loại bỏ nhà đầu tư không có năng lực, kéo dài dự án, gây lãng phí đất đai. Tuyệt đối không bán rẻ tài nguyên đất đai cho DN, dẫn đến vừa không tăng nguồn thu, vừa tạo cơ hội cho một nhóm người làm giàu từ quỹ đất công. Tóm lại, nguồn thu từ quỹ đất là nguồn thu không ổn định và không nên quá lạm dụng.

 

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: "Một số chủ đầu tư có năng lực tài chính hạn chế"

Thực tế nhiều dự án KDC, KĐT trên địa bàn tỉnh việc thi công kéo dài, không thể đưa vào khai thác theo cam kết ban đầu của chủ đầu tư. Nguyên nhân một phần do cơ chế, chính sách đầu tư có sự điều chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, đồng thời một số chủ đầu tư năng lực tài chính, thi công còn hạn chế. Thời gian đến, Sở sẽ tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng tham mưu cho UBND tỉnh trong xem xét cho lập dự án, cấp chủ trương đầu tư các dự án bất động sản. Khi dự án đảm bảo các mục tiêu như đáp ứng nhu cầu thực tế về đất ở, thì mục  tiêu tăng thu cho ngân sách từ khai thác quỹ đất mới đạt được.

 

Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Văn Luyện: "Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa tăng thu ngân sách và cuộc sống của người dân"

Khi ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư thì việc bổ sung nguồn thu từ tiền sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng, giúp địa phương có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương xem đây là giải pháp để có vốn xây dựng cơ bản, giải quyết nợ trong xây dựng công trình nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thu tiền sử dụng đất hiện nay còn nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ thu chậm. Vì thế, cần có sự phối hợp, đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư các dự án KDC, KĐT tập trung thi công, hoàn thành dự án như cam kết để đưa vào khai thác. Hơn nữa, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án này cũng cần tính toán khoa học, để hài hòa lợi ích giữa tăng thu ngân sách và bảo đảm cuộc sống dài lâu cho người dân, DN".

 

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành: "Chỉnh trang đô thị phải đặt lên hàng đầu"

Đối với huyện Tư Nghĩa, nhờ khoản thu từ tiền sử dụng đất mà địa phương mới có vốn xây dựng hạ tầng cho huyện, xã, đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vấn đề khai thác quỹ đất cũng không phải dễ dàng, nếu không chọn đúng chủ đầu tư thì mục tiêu sẽ không đạt được. Quan trọng là xác định vị trí xây dựng, chủ yếu là khu đất bỏ hoang, khu sản xuất không hiệu quả, hạn chế tối đa lấy đất trồng lúa làm KDC. Có những KDC huyện phải chịu lỗ, vì mục tiêu của huyện là cải tạo, chỉnh trang đô thị.

 

Bà Nguyễn Thị Cơi, xã Đức Lợi (Mộ Đức): "Cần nhắc để nông dân không mất sinh kế"

Để xây dựng các KDC có không ít nông dân mất ruộng, mất đất trồng hoa màu, tức là mất đi sinh kế từ nghề nông. Trong khi đó, rất nhiều người nông dân chưa sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp, tìm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Hơn nữa, giá đất bồi thường hiện tại quá thấp, không đủ để nông dân mất đất tìm một công việc mới. Vì thế, mong Nhà nước khi triển khai dự án KDC thì phải tính toán kỹ, hạn chế đến mức tối đa việc lấy đất lúa để làm KDC.

 

THANH NHỊ
(thực hiện)


 


.