Chiếc tủ đặc biệt

06:45, 21/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng thương binh Đinh Hồng Khánh (79 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn lưu giữ hơn 100 kỷ vật trong chiến tranh. Những kỷ vật đặc biệt ấy được người cựu y sĩ chiến trường trưng bày trong một chiếc tủ gỗ, đặt trang trọng ở phòng khách và xem đó là tài sản vô giá để lại cho con cháu mai sau.

Kỷ vật của máu và nước mắt

Lần lượt lấy từng kỷ vật trong chiếc tủ gỗ để giới thiệu với chúng tôi, ông Đinh Hồng Khánh rưng rưng bảo, đây là những kỷ vật của máu và nước mắt. Mỗi một kỷ vật đều gắn với việc sơ cứu, gây mê, mổ cấp cứu cho hàng trăm thương binh bị thương trên chiến trường. Có người được tôi và anh em y tá thành công cứu sống, có người mãi mãi ra đi vì vết thương quá nặng. Mỗi kỷ vật đều có hàng trăm câu chuyện kể về những năm tháng ác liệt của chiến tranh, cũng như những đau đớn, hy sinh mà bao người lính đã phải trải qua. Đó cũng là lý do tôi nâng niu, gìn giữ những kỷ vật này đến tận ngày nay.

Ông Khánh cùng vợ nâng niu các kỷ vật từng gắn bó với ông trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông Khánh cùng vợ nâng niu các kỷ vật từng gắn bó với ông trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông Đinh Hồng Khánh và vợ là bà Lê Thị Thanh Hồng cùng là thương binh hạng 4. Năm 1964, ông Khánh bị thương ở tay trong một lần bị địch tập kích khi đang đi cõng gạo về bệnh xá để nuôi thương binh. Bà Hồng cũng bị thương ở hoàn cảnh tương tự vào năm 1967. Năm 2016, ông bà cùng được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân. Đây là kỷ niệm chương cho các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Khánh là y tá của Bệnh xá Ba Nhà (Chú Tám), ở xã Ba Điền (Ba Tơ), sau này, ông tiếp tục học lên và trở thành y sĩ của Bệnh xá B21, rồi sau đó là Trạm trưởng Trạm phẫu thuật A80, phụ trách địa bàn Mộ Đức, Nghĩa Hành. Kể về những kỷ vật, đôi mắt của người y sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn bồi hồi, đây là dụng cụ banh vết mổ bằng inox từng đồng hành cùng tôi trong tất cả các ca phẫu thuật. Còn đây là dụng cụ mở khí quản, thông đường thở. Nhờ dụng cụ này, tôi đã cứu sống nhiều thương binh bị thương nặng vùng cổ. Trong đó, có thương binh được tôi dùng dụng cụ này để mở khí quản ngay trên cán cứu thương, mới có thể thoát khỏi bàn tay tử thần. Đây là bơm kim tiêm y tế bằng thủy tinh, theo tôi suốt mấy năm trời, từ năm 1970 - 1975. Ngày ấy, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, việc điều trị cho thương binh thiếu thốn về thuốc men, dụng cụ y tế. Chúng tôi tiết kiệm đến từng chiếc bơm kim tiêm!  

Vốn quý cho mai sau
Đảm nhận trọng trách cứu chữa, điều trị cho thương binh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Đinh Hồng Khánh không nhớ rõ mình đã phẫu thuật cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, khi hòa bình lập lại, có nhiều thương binh quê ở tận tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận rồi TP.Hà Nội, Nam Định đã lặn lội tìm đến tận nhà riêng của ông để thăm hỏi và cảm ơn.

“Có thương binh dẫn theo cả vợ và con đến thăm tôi. Họ bảo, họ như được tôi sinh ra lần thứ 2. Và nhiều người trong số họ, khi chạm tay vào những kỷ vật mà tôi cất trong tủ, đã bật khóc. Họ khóc khi nhớ lại những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ năm xưa, và khóc vì xúc động khi biết tôi vẫn giữ những kỷ vật ấy đến bây giờ”, ông Khánh kể trong niềm xúc động.

Dụng cụ y tế mà ông Khánh sử dụng để chăm sóc cán bộ, chiến sĩ trong chiến tranh, được ông lưu giữ đến nay.
Dụng cụ y tế mà ông Khánh sử dụng để chăm sóc cán bộ, chiến sĩ trong chiến tranh, được ông lưu giữ đến nay.
Ông Đinh Hồng Khánh bên chiếc tủ đựng kỷ vật chiến tranh của mình.
Ông Đinh Hồng Khánh bên chiếc tủ đựng kỷ vật chiến tranh của mình.

Với ông Khánh, ký ức về năm tháng chiến tranh khốc liệt và những ca phẫu thuật được thực hiện giữa rừng chưa phút giây nào phôi pha. Chính những ký ức quý giá trong chiến tranh và những cuộc hội ngộ đong đầy tình nghĩa ở thời bình đã thôi thúc ông một lòng gìn giữ, bảo quản những kỷ vật này cho đời sau.

Vừa là vợ, vừa là đồng đội của ông Khánh, bà Lê Thị Thanh Hồng (77 tuổi), y tá của Bệnh xá B21 trong kháng chiến chống Mỹ, cười bảo, từ chiến trường về, ông mang theo lỉnh kỉnh chai lọ, kim tiêm, dao mổ, máy đo huyết áp,... Thậm chí, ngay đến vỏ của các ống thuốc kháng sinh đã sử dụng, ông cũng mang về. Thấy ông nâng niu, trân trọng những kỷ vật này đến vậy, tôi cùng các con càng thêm nể trọng ông. Từ năm 1976 - 1984, ông được Nhà nước cho đi học liên tục, học thêm lớp gây mê, hồi sức, rồi học lên bác sĩ và công tác ở Nghệ An, ít khi nào có ở nhà. Tôi ở nhà vừa đi làm, vừa chăm con cũng vất vả lắm, nhưng vẫn luôn ghi nhớ lời dặn dò của ông, thay ông bảo quản từng kỷ vật. Tôi và ông luôn lấy chiếc tủ kỷ vật ra để dạy con cháu mình biết ơn và trân trọng những hy sinh của thế hệ trước. Chiếc tủ này, chính là tài sản vô giá mà ông và tôi truyền lại cho con cháu của mình.

Ông Khánh và bà Hồng vừa tổ chức kỷ niệm 57 năm ngày cưới. Trong lễ kỷ niệm, ông bà dành phần nhiều thời gian ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội ở Bệnh xá B21 về những năm tháng tận tụy chăm sóc thương binh giữa chiến tranh khói lửa. Đan xen giữa những câu chuyện kể là chuyện về chiếc tủ kỷ vật và cuộc trùng phùng đầy xúc động giữa những người y sĩ, y tá và thương binh giữa thời bình.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:45, 21/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.