Tình người ở Gò Cỏ

08:34, 07/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) có diện tích khoảng 105ha. Gò Cỏ đa dạng văn hóa và thấm đẫm tình người. Hồn quê nơi này là sợi dây gắn kết yêu thương cho đời thêm tươi đẹp.

Làng có hơn 250 nhân khẩu sống trong những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện giữa cây lá, khung cảnh hoang sơ và thơ mộng. Du khách đến nơi đây vô cùng thích thú khi khám phá 3 nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt lưu dấu trên đất này. Qua gặp gỡ, họ cảm mến tấm chân tình của những người dân quê hiền lành bên chân sóng.

Quê nghèo nhưng nặng ân tình

Bao đời, người dân làng Gò Cỏ cần mẫn mưu sinh với ước mơ cuộc sống no ấm, nhà nhà yên vui. Đàn ông sớm chiều chèo thuyền ra biển buông  lưới đánh bắt hải sản. Phụ nữ tay thoăn thoắt đan, vá lưới với hy vọng thuyền về bến tôm cá đầy khoang. Trên những thửa ruộng nhỏ cạnh chân núi, vạt đất bên sườn đồi, nhiều người cần mẫn vun trồng. Những con bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ, ẩn hiện giữa rừng cây lá mướt xanh. “Từ trước tới giờ, người dân ở đây sống tình nghĩa lắm, tối lửa tắt đèn có nhau. Mọi người thường giúp đỡ nhau trong công việc hằng ngày...”, bà Huỳnh Thị Thương cho biết.

Chị Bùi Thị Ánh (bên trái) và ông Adam Winski cùng trẻ em ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Chị Bùi Thị Ánh (bên trái) và ông Adam Winski cùng trẻ em ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

Bốn năm trước, nhà báo Lê Văn Chương lập nhóm thiện nguyện “Nối vòng tay Việt” quyên góp nhu yếu phẩm hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 và người dân khó khăn vì dịch bệnh. Anh Chương cảm động khi nhận 350kg gạo, 1 thùng trứng và 23 thùng mì tôm từ người dân Gò Cỏ gửi tặng để chuyển vào TP.Hồ Chí Minh. Rồi anh viết cảm nghĩ của mình trên Facebook: “Dân ở đây nghèo... nhưng con người đặc biệt chân thật...”. Họ nghèo và bị phong tỏa dài ngày bởi khi ấy Sa Huỳnh cũng bùng phát dịch bệnh, nhưng vẫn san sẻ từng lon gạo, quả trứng giúp đồng bào trong cơn khốn khó. “Lúc đó, tôi đứng ra kêu gọi thì người dân liền chung tay đóng góp. Dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng ai cũng sẵn lòng sẻ chia với đồng bào. Người dân nơi đây tốt bụng lắm!”, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Long Thạnh 2 Võ Thị Thu Hoanh chia sẻ.

Ngày nọ, điện thoại của tôi đổ chuông liên hồi. Vừa nhấc máy, giọng cụ Võ Đình Chiến vang lên: “Người dân trong làng bảo chú điện thoại mời cháu ngày 16 tháng 3 âm lịch về Gò Cỏ dự lễ giỗ Ông tại miễu mà bữa mình đến chụp hình. Bữa đó sẽ có nhiều người sống xa quê trở về tham dự. Cháu cố gắng về nhé!...”. Giỗ Ông là ngày quan trọng của cư dân trong làng. Mọi người tụ họp và chung tay sửa soạn mâm cỗ rồi thành kính dâng lên ban thờ cúng bái những bậc tiền nhân có công khai mở xóm làng. Họ vui vẻ chào mừng khách phương xa đến dự và lễ bái. Tấm chân tình của họ gây thiện cảm với tôi và nhiều người khách phương xa.

“Người Gò Cỏ dễ thương”

Chị Bùi Thị Ánh (28 tuổi), quê ở Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, có việc làm với mức thu nhập ổn định nơi đô thành hoa lệ. Khi đến Gò Cỏ, chị cảm mến những người dân quê hiền lành, chất phác nên xin được ở lại làm tình nguyện viên của làng. Với kiến thức đã học, chị giúp người làng xây dựng những mái nhà tranh đơn sơ làm thỏa lòng lữ khách. Chị Ánh hướng dẫn người dân phương pháp xây dựng không phá vỡ khung cảnh hoang sơ vốn có, dạy vẽ tranh và kỹ năng giao tiếp cho trẻ em... Mỗi tháng chỉ nhận khoản phụ cấp 6 triệu đồng, thấp hơn hẳn so với tiền lương ngày trước nhưng chị rất vui. Người làng dang rộng vòng tay chào đón chị như con em trong gia đình. Hằng ngày, họ thay phiên nhau lo cơm nước cho chị với tấm lòng chân thật cùng nụ cười tươi vui.

“Tôi đi nhiều nơi và tiếp xúc rất nhiều người. Tôi thấy người dân ở đây có phẩm chất rất đặc biệt. Họ sống chân thật, ân cần, chu đáo và rất có nghị lực vượt qua khó khăn. Có lẽ những người lớn tuổi trải qua chiến tranh với bao hiểm nguy, vất vả đã hun đúc tính cách mạnh mẽ và truyền lại cho con cháu. Những điều đó tạo nên tình cảm tốt đẹp của tôi và nhiều du khách đối với người làng, như chú Adam chẳng hạn...”, chị Ánh tâm sự.

Nghe nhắc tên mình, ông Adam Winski, người Scotland, nở nụ cười tươi. Hơn 8 năm trước, ông đến TP.Hội An (Quảng Nam) du lịch, và rồi vì quá yêu thích nên xin ở lại nơi này. Công việc của ông là dạy đàn Violon (Vĩ cầm) cho người dân phố Hội trong ngôi nhà nhuốm màu rêu phong theo năm tháng. Khi rỗi việc, ông thường đi du lịch khắp nơi. Một lần đến thăm Gò Cỏ, ông bị những người dân quê hiền lành hút hồn nên tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong làng. Cuối tuần, ông cưỡi xe máy vượt hơn trăm cây số về làng trong sự mừng vui của nhiều người, nhất là lũ trẻ. Chúng vây quanh và tranh nhau kể chuyện bằng tiếng Anh khiến ông vô cùng thích thú. “Người dân làng Gò Cỏ, nhất là trẻ em, thật là dễ thương. Nơi đây đậm đặc văn hóa từ nghìn năm lưu đến bây giờ. Tôi rất thích thú...”, ông Adam thổ lộ.

Bài, ảnh: TRANG THY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:34, 07/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.