Ở hai đầu Bình Đê

16:29, 20/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đèo Bình Đê nằm trên Quốc lộ 1, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Nơi đây không chỉ kết nối hai vùng đất, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết giữa các địa phương vùng giáp ranh là TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi) và TX.Hoài Nhơn (Bình Định). 

Sánh bước bên nhau

Những ngày cuối năm, cảng cá Tam Quan, ở phường Tam Quan Bắc (TX.Hoài Nhơn) khá tấp nập. Dưới biển, hàng chục tàu cá nối đuôi nhau cập cảng để bán cá. Trên bờ, những chiếc xe đông lạnh lớn, nhỏ xếp hàng chờ đưa cá lên xe, chở đi muôn nơi.

Cảng cá Tam Quan được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động gần một năm nay. Điều đặc biệt là cảng cá này do một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn hiện đại của Châu Âu. Việc mua bán cá cũng được phân chia theo từng khu vực rất chuyên nghiệp. Ngay sau khi các tàu hoàn thành xong việc bán cá, đội vệ sinh môi trường của cảng đã nhanh chóng dùng vòi nước xịt rửa, quét dọn sạch sẽ. Rác thải tại cảng được thu gom và đưa lên xe chở đến điểm tập kết để xử lý, tuyệt đối không xả thải trực tiếp xuống biển.

Đèo Bình Đê - ranh giới giữa tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.   Ảnh: HỒNG  HOA
Đèo Bình Đê - ranh giới giữa tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ảnh: HỒNG HOA

Cảng cá Tam Quan không chỉ phục vụ cho tàu cá của ngư dân Bình Định, mà còn tạo điều kiện cho rất nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cập bến bán hải sản. Ngư dân Lê Thanh Hồng, ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cho biết, bao năm qua, tôi và nhiều ngư dân khác trong thôn đều cho tàu về neo đậu ở Tam Quan để bán cá và lấy phí tổn cho chuyến biển tiếp theo. Vì tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương có công suất lớn nên về cảng cá Tam Quan sẽ thuận lợi. Hơn nữa, từ cảng cá này về nhà tôi cũng gần hơn nhiều so với về cảng cá Sa Huỳnh.

Những năm qua, nhiều lớp trai, gái ở phía bắc đèo Bình Đê (phường Phổ Thạnh, xã Phổ Châu) đã nên duyên chồng vợ với người ở phía bên kia đèo. Trong số ấy, có ông Phạm Đình Tàu, một cư dân ở phường Tam Quan (TX.Hoài Nhơn) lấy vợ ở phường Phổ Thạnh. Ông Tàu về ở rể tại phường Phổ Thạnh đến nay đã ngót 30 năm. Hiện nay, ông Tàu có một xưởng làm xơ dừa ở phường Tam Quan. Hằng ngày, mỗi buổi sáng, ông Tàu vượt đèo Bình Đê đến xưởng làm việc. Chiều tối, ông lại ngược đèo quay về nhà ở phường Phổ Thạnh. Đối với ông Tàu, con đường dài 13km giữa 2 địa phương ấy đã quá quen thuộc.

Ông Tàu chia sẻ, tôi và vợ tuy có quê quán thuộc 2 tỉnh khác nhau nhưng thực tế gần lắm. Chỉ cách nhau con đèo Bình Đê. Ở phường Phổ Thạnh có nhiều nam, nữ kết duyên chồng vợ với người ở phía bên kia đèo. Tôi có 3 người bạn cũng lấy vợ ở phường Phổ Thạnh và chúng tôi đều chọn “ở rể”.

Hằng ngày có rất nhiều người dân, tiểu thương ở Tam Quan ra chợ Phổ Thạnh để buôn bán các mặt hàng. Việc làm ăn, buôn bán của người dân, tiểu thương giữa hai địa phương rất hài hòa, không có chuyện tranh giành địa bàn mua bán mà theo đúng nghĩa “buôn có bạn, bán có phường”.
Quyền Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc (TX.Hoài Nhơn) Huỳnh Thị Tường Vy cho biết, phường đã xác định vùng giáp ranh là vùng kinh tế mở, vì vậy địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân 2 bên qua lại buôn bán, làm ăn. Hiện nay, có một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đang đầu tư hạ tầng cảng cá, khu dân cư tại phường Tam Quan Bắc, trong đó có doanh nghiệp của Quảng Ngãi. Về văn hóa và cách ứng xử trong cuộc sống của người dân vùng giáp ranh cũng khá đồng điệu nên việc buôn bán qua lại giữa 2 địa bàn không có khoảng cách. “Chúng tôi mong muốn, trong thời gian đến, lãnh đạo các xã, phường giáp ranh Phổ Châu, Phổ Thạnh sẽ cùng với Tam Quan Bắc bàn bạc, thảo luận để có những chính sách phát triển kinh tế mở, tạo ra động lực chung cho cả 2 vùng phát triển”, bà Vy bày tỏ.

Liên kết phát triển

Thị xã Đức Phổ nằm ở cửa ngõ phía nam của tỉnh Quảng Ngãi, còn TX.Hoài Nhơn nằm ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh Bình Định. Đây cũng là điều hiếm hoi khi có 2 thị xã của 2 tỉnh nằm giáp ranh trên một trục quốc lộ. Hai thị xã này được phân định ranh giới bởi con đèo Bình Đê. Nói là đèo, nhưng thực tế đây cũng chỉ là một con dốc thoai thoải. Đứng giữa đèo nhìn về phía bắc, mọi người sẽ thấy được vẻ đẹp bao quát của một TX.Đức Phổ đang trên hành trình phát triển với biển xanh, cát trắng, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng khang trang.

Bãi biển Châu Me, ở xã Phổ Châu rất đẹp, có lợi thế để phát triển du lịch. Theo quy hoạch của tỉnh và định hướng phát triển của TX.Đức Phổ, trong tương lai sẽ xây dựng Phổ Châu, Phổ Thạnh thành đô thị hành chính, đô thị sinh thái, đô thị biển ở phía nam của tỉnh. Cảng cá Sa Huỳnh cũng được quy hoạch đầu tư thành cảng cá loại I. Ngoài ra, còn có khu hậu cần nghề cá gần 40ha tại phường Phổ Thạnh. Một khi hạ tầng nghề cá được đầu tư bài bản tại Sa Huỳnh, tàu cá sẽ về đây neo đậu, bán hải sản, tạo nên sự giao thương sầm uất.

Biển Phổ Châu (TX.Đức Phổ), địa phương phía bắc đèo Bình Đê, giáp ranh với TX.Hoài Nhơn (Bình Định).
 Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Biển Phổ Châu (TX.Đức Phổ), địa phương phía bắc đèo Bình Đê, giáp ranh với TX.Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Theo Bí thư Thị ủy Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển, hằng năm, lãnh đạo TX.Đức Phổ và TX.Hoài Nhơn đều tổ chức gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm và đưa ra định hướng phát triển cho vùng giáp ranh. Hiện tại, ở TX.Hoài Nhơn không có bãi biển đẹp, nên người dân nơi đây thường ra tham quan, tắm biển ở Châu Me và Sa Huỳnh rất nhiều. Vừa rồi, UBND tỉnh Bình Định cũng đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc đầu tư tuyến đường ven biển Bình Định nối liền với đường ven biển của Quảng Ngãi. Tuyến đường này được đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi để 2 địa phương phát triển du lịch và kinh tế biển. Cả TX.Đức Phổ và TX.Hoài Nhơn đều lựa chọn hướng kết nối, cùng chia sẻ lợi thế và hợp tác, phát triển theo hướng bền vững.

HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:29, 20/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.