(Báo Quảng Ngãi)- Về huyện Minh Long hôm nay, chúng tôi nhận thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất anh hùng. Những ngôi nhà khang trang; cơ sở hạ tầng phát triển; các thiết chế văn hóa được duy trì; y tế, giáo dục được quan tâm. Đời sống của người dân dần được nâng lên. Đội ngũ cán bộ tâm huyết, mang khát vọng phát triển cho vùng đất nằm bên dòng sông Phước Giang.
Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Minh Long chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,6%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Minh Long. ẢNH: DUY KHANG |
Công tác quản lý, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị trung tâm huyện ngày càng đồng bộ và hiện đại. Huyện chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia... Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho hay, nếu như năm 2021, tốc độ tăng trưởng của huyện Minh Long chỉ đạt 6,76% thì đến cuối năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 9,93% (vượt 2,71% so với kế hoạch). Để có được kết quả đó, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt trên tinh thần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đồng thời có lộ trình thực hiện chi tiết, rõ ràng. UBND huyện thường xuyên giao ban để nắm tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhằm kịp thời có chỉ đạo sâu sát, hiệu quả.
Ngay từ đầu năm 2025, huyện tập trung rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Tin rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực và sáng tạo, các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được huyện thực hiện hoàn thành. Đây là tiền để huyện bước vào nhiệm kỳ 2025 - 2030; là động lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển, vươn lên tầm cao mới”, ông Đinh Văn Điết nhấn mạnh.
Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Long vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện (17/8/1974 - 17/8/2024). Ngoài việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện, Minh Long còn tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024, Đại hội Thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang huyện, giai đoạn 2019 - 2024... |
Huyện Minh Long có 76% dân số là người đồng bào dân tộc Hrê. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Địa phương đã thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2025, có 4/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái cho hay, một trong những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo là Ban Thường vụ Huyện ủy đã phát động thực hiện mô hình “Cán bộ, đảng viên đồng hành với nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2025”. Mô hình này thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm của cán bộ, đảng viên đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện với mong muốn nhiều gia đình thoát nghèo và cuộc sống ngày một khá lên. Phương châm của huyện là không hỗ trợ tiền mặt trực tiếp mà xuống từng hộ nghèo khảo sát, đánh giá từng hoàn cảnh để có sự hỗ trợ phù hợp. Trong 2 năm (2023 - 2024), 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được xét chọn để hỗ trợ cây, con giống, tư liệu sản xuất, ngày công hoặc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, khuyến khích các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện giảm 315 hộ nghèo, vượt 15 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao.
Thác Trắng là điểm du lịch hấp dẫn của huyện Minh Long. Ảnh: LÊ MINH THỂ |
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả. Địa phương tiếp tục mở rộng đàn gia súc, gia cầm, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học. Giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và các chính sách an sinh xã hội khác. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PHƯƠNG TRỊNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: