Chung tay thúc đẩy bình đẳng giới

15:33, 23/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp hội phụ nữ ở huyện Sơn Hà đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực để thực hiện hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Qua đó, góp phần xóa bỏ định kiến giới và những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Năm 2024, chị Đinh Thị Nghiệp (38 tuổi), ở thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham (Sơn Hà) sinh mổ con thứ 2 tại cơ sở y tế. Sau đó, chị đã được Hội LHPN xã chi trả tiền từ gói chính sách sinh đẻ an toàn thuộc Dự án 8 là 2,8 triệu đồng. Chị Nghiệp chia sẻ, từ khi tôi mang thai đã được các cán bộ hội phụ nữ quan tâm, hướng dẫn đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ và sinh đẻ an toàn. Sau khi sinh, tôi đã được tiếp cận gói chính sách hỗ trợ sinh đẻ an toàn để có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân và con nhỏ. Nhờ sinh con tại cơ sở y tế mà sức khỏe của tôi hồi phục rất nhanh, con tôi được theo dõi, chăm sóc tốt và được tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cận Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ có con nhỏ.
Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cận Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ có con nhỏ.

Từ năm 2022 đến nay, có gần 30 trường hợp phụ nữ ở xã Sơn Nham sinh con tại cơ sở y tế và được nhận tiền chi trả từ gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em của Dự án 8. Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Nham Hà Thị Thúy Nga cho biết, gói chính sách hỗ trợ sinh đẻ an toàn của dự án 8 hỗ trợ theo phương thức khoán cho người mẹ. Trong đó, có hỗ trợ chi phí đi lại cho người mẹ đi khám thai tại cơ sở y tế 4 lần trong suốt thai kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hỗ trợ chi phí đi lại khi đến sinh con tại cơ sở y tế; hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh; hỗ trợ tiền ăn cho người mẹ và người chăm sóc; hỗ trợ 1 lần lương thực, dinh dưỡng cho người mẹ nuôi con bú trong 6 tháng đầu sau sinh. Nhờ gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn mà phụ nữ DTTS ở địa phương có điều kiện đến các cơ sở y tế để khám thai và sinh đẻ an toàn. Những năm gần đây, trên địa bàn xã không còn trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà.

Các thành viên của mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng thôn Làng Rin, xã Sơn Trung (Sơn Hà) thảo luận các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Các thành viên của mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng thôn Làng Rin, xã Sơn Trung (Sơn Hà) thảo luận các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

ính đến ngày 19/12/2024, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng Dự án 8 trên địa bàn huyện Sơn Hà đã chi trả cho 138 bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế, trong đó 39 người sinh mổ và 99 người sinh thường. Bên cạnh gói hỗ trợ sinh đẻ, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế và tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khám, theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ trong vòng 2 năm đầu đời... Từ đó, nhiều phụ nữ DTTS được tuyên truyền, tư vấn, tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn, góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong cho mẹ và con ngay từ khi mang thai, trong khi đẻ và suốt thời kỳ hậu sản.

Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực

Nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em 

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hà Đinh Thị Giang, là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8, hội LHPN các cấp trong huyện đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, các cấp, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, mang lại hiệu quả cao. Công tác triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn huyện đã góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản tình trạng bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, góp phần xóa bỏ những định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ và tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025) được triển khai tại 59 thôn của 11 xã và 1 tổ dân phố trên địa bàn huyện Sơn Hà. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng dự án ở huyện Sơn Hà đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung như tuyên truyền nâng cao nhận thức; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; trang bị kiến thức về bình đẳng giới.

ến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã hướng dẫn thành lập 39 tổ truyền thông cộng đồng với gần 350 thành viên và hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông. Đồng thời, thành lập và nhân rộng 8 địa chỉ tin cậy cộng đồng với hơn 80 thành viên tham gia; thành lập và ra mắt 9 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với hơn 200 thành viên. Tổ chức 4 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 100 cán bộ huyện, xã, thôn về bình đẳng giới, lồng ghép giới; 20 cuộc đối thoại chính sách đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương...  

Học sinh ở huyện Sơn Hà biểu diễn trong Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Học sinh ở huyện Sơn Hà biểu diễn trong Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Rin, xã Sơn Trung, kiêm Phó ban Chủ nhiệm mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng Lê Thị Phượng cho hay, sau 1 năm thành lập, mô hình đã xây dựng địa chỉ tạm lánh tại nhà sinh hoạt cộng đồng cùng với đường dây nóng tiếp nhận thông tin về các vụ việc bạo lực gia đình. Cùng với đó, ban chủ nhiệm và các thành viên tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và kỹ năng để phòng tránh bạo lực gia đình; kịp thời tư vấn, hòa giải những vụ việc mâu thuẫn trong gia đình. Nhờ vậy, những vụ xích mích nhỏ trong gia đình giảm đáng kể và không còn các vụ việc bạo lực trên địa bàn thôn, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Bài, ảnh: HIỀN THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN
 


 

Xuất bản lúc: 15:33, 23/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.