(Báo Quảng Ngãi)- Qua 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Dự án đã góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến giới và những tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng là 1 trong 4 nội dung chính của Dự án 8. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới đến hội viên và người dân. Trong đó, các cấp hội thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, tổ chức các chiến dịch truyền thông, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi...
Nhờ các chính sách thiết thực của Dự án 8 mà hội viên, phụ nữ xã Ba Vinh (Ba Tơ) có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn. |
Giữa tháng 11 vừa qua, Hội LHPN huyện Trà Bồng đã tổ chức Hội thi Tìm kiếm các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Hội thi có sự tham gia của 13 đội đến từ 13 xã thuộc vùng Dự án 8. Đây là dịp để cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng và đổi mới cách thức tuyên truyền, triển khai các hoạt động hội để thực hiện hiệu quả Dự án 8.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Bồng Nguyễn Thị Hằng cho biết, thời gian qua, Hội LHPN huyện đã tích cực chỉ đạo các cấp hội ở những địa phương trong vùng Dự án 8 tích cực truyền thông, thông tin các chính sách đến hội viên, phụ nữ. Nhờ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và xóa bỏ các tập tục lạc hậu... Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng môi trường sống đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực
Trong 3 năm qua, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng Dự án 8 đã tập trung triển khai thực hiện các mô hình, hoạt động như: Hướng dẫn thành lập được 187 tổ truyền thông cộng đồng, với hơn 1.800 thành viên và hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông; giúp xây dựng 3 tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho 160 phụ nữ dân tộc thiểu số. Cùng với đó là, củng cố và thành lập 23 địa chỉ tin cậy cộng đồng, với gần 450 thành viên; thành lập và ra mắt 25 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với hơn 700 thành viên. Đồng thời, tổ chức 31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn; tổ chức 26 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 1.600 cán bộ huyện, xã, thôn về bình đẳng giới...
Ngoài ra, hội LHPN các xã vùng Dự án 8 đã triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và phối hợp với ngành y tế thực hiện rà soát, lập danh sách phụ nữ mang thai đến thời điểm hiện tại và thực hiện chi trả chế độ cho bà mẹ, trẻ em. Tổ chức truyền thông, vận động, hướng dẫn bà mẹ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tính đến ngày 30/9, các cấp hội đã vận động khoảng 1.670 phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế và đã chi trả cho 369 bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế, với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8, hội LHPN các cấp đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động vừa cụ thể, thiết thực, vừa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, mang lại hiệu quả cao. Với nhiều cách làm, mô hình sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 của các cấp hội phụ nữ đã từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới. Từ đó, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.
Bài, ảnh: HIỀN THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: