(Báo Quảng Ngãi)- Không ngại thử thách, dám sống với đam mê, nhiều phụ nữ Quảng Ngãi đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Những sản phẩm do các chị làm ra không chỉ có giá trị kinh tế, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mà các chị còn truyền cảm hứng để nhiều phụ nữ tự tin khởi nghiệp, làm chủ cuộc đời.
Nâng tầm sản phẩm truyền thống
Xuất phát từ mong muốn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động và sử dụng nguồn nông sản sẵn có tại địa phương, hai chị em chị Nguyễn Thị Diệp và Nguyễn Thị Thùy Dung, ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), đã mạnh dạn khởi nghiệp với cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Cô Gái. Dự án khởi nghiệp “Bánh tráng nhúng mè đen Hai Cô Gái” đã đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Chị Nguyễn Thị Diệp, ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), kiểm tra chất lượng bánh tráng. |
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Diệp kể đã từng có thâm niên 10 năm làm giáo viên mầm non. Thế nhưng, với tiền lương ít ỏi ngày ấy, năm 2010, chị quyết định nghỉ dạy và chuyển hướng kinh doanh. Chị Diệp từng kinh doanh nhiều loại mặt hàng như gas và một số loại nông sản... “Khi kinh tế đã dần ổn định, không còn vất vả chuyện mưu sinh, tôi và em gái nhận thấy ở quê hương có nguồn gạo ngon, hạt mè đen do người dân địa phương trồng rất dồi dào, sao mình không tận dụng tài nguyên bản địa để khởi nghiệp và tạo việc làm cho một số phụ nữ trong xã. Từ trăn trở ấy, sau hơn 1 năm nghiên cứu, tìm tòi công thức và khảo sát thị trường, ngày 1/6/2023, chị em tôi thành lập và đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Cô Gái”, chị Diệp chia sẻ.
Bánh tráng là sản phẩm truyền thống, quen thuộc với người tiêu dùng thế nên để tạo được thương hiệu riêng, dấu ấn trên thị trường, hai chị em chị Diệp không chỉ nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư bao bì, nhãn hiệu, tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc... Trước khi đưa vào sản xuất dây chuyền, số lượng lớn, chị Diệp đã thất bại không biết bao nhiêu lần để thử nghiệm các công thức pha bột để cho ra thành phẩm tốt nhất.
Chị Diệp còn tự đi thăm dò, khảo sát, tìm hiểu thị trường và quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Cơ sở của chị Diệp tập trung cho ra 2 dòng sản phẩm chính là bánh tráng nhúng mè đen và bánh tráng gói ram với kích thước đa dạng, phù hợp nhu cầu thị trường. Nguồn nguyên liệu như gạo, mè đen đều ở địa phương nên cung cấp đủ cho cơ sở với sản lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 9 - 10 tấn gạo và khoảng 500kg mè đen.
“Nhà máy sản xuất bánh tráng rộng hơn 100m2 với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Cơ sở của chúng tôi đầu tư, sử dụng toàn máy móc hiện đại như máy xay gạo, đánh bột, máy tráng bánh, hệ thống phòng sấy tự động... Thế nên, dù mùa nắng hay mưa, cơ sở đều hoạt động liên tục, tạo việc làm cho 7 lao động nữ tại địa phương, với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng”, chị Diệp cho biết.
Vừa qua, Hội LHPN huyện Bình Sơn tổ chức Hội thi "Phụ nữ Bình Sơn khát vọng khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa" năm 2024. Dự án cơ sở sản xuất bánh tráng của chị Võ Thị Mỹ Trang đã xuất sắc giành giải Nhì và ý tưởng khởi nghiệp từ đam mê bánh ngọt của chị Nguyễn Thị Xuân Hương giành giải Khuyến khích tại hội thi. |
Nhờ áp dụng máy móc hiện đại và có "bí quyết" công thức riêng trong quá trình chế biến, sản xuất mà các sản phẩm bánh tráng mè đen Hai Cô Gái không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thơm ngon mà khi nhúng nước để cuốn, bánh có độ dai, không bị rách và dính vào nhau. Hiện nay, các sản phẩm bánh tráng mè đen của cơ sở xuất bán nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh.
Cũng có ý tưởng nâng tầm sản phẩm truyền thống của quê hương, chị Võ Thị Mỹ Trang, ở thôn Trà Lăm, xã Bình Khương (Bình Sơn), đã mạnh dạn khởi nghiệp với cơ sở sản xuất bánh tráng. Thành lập cơ sở sản xuất từ năm 2022, sau hơn 2 năm hoạt động, chị Trang cung cấp ra thị trường nhiều dòng sản phẩm như bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng và đặc biệt là bánh tráng gạo lứt.
Chị Trang cho hay, thay vì tráng bánh thủ công như trước đây, tôi đầu tư máy móc để sản xuất và tráng bánh bằng máy. Đồng thời, nhằm cải tiến, nâng tầm sản phẩm truyền thống, tôi tìm tòi, cho ra dòng sản phẩm bánh tráng gạo lứt tốt cho sức khỏe và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất cho ra thị trường hơn 3 tấn bánh tráng các loại và tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương.
Quyết tâm theo đuổi đam mê
Hơn 5 năm theo đuổi đam mê, thực hiện ước mơ có một cơ sở sản xuất bánh ngọt, đến nay, thương hiệu “Huong Nguyen cake” của chị Nguyễn Thị Xuân Hương, ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), đã có chỗ đứng trong lòng nhiều khách hàng trên địa bàn huyện.
Là một trong những sinh viên tốt nghiệp thuộc tốp đầu của ngành thiết kế đồ họa, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, năm 2014, chị Hương được một tập đoàn nhựa lớn ở TP.Hồ Chí Minh nhận vào làm việc với mức lương khá cao. Thế nhưng, theo tiếng gọi của tình yêu, chị Hương về quê lập gia đình và học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm để đi dạy mỹ thuật. Sau một thời gian gắn bó với công việc giảng dạy, chị Hương nhận thấy đam mê của mình không phải là đứng lớp, mà là làm ra những sản phẩm, món ăn vừa chất lượng và đẹp mắt. Không ngại thử thách, năm 2017, chị Hương khởi nghiệp, mở một quán trà sữa và làm bánh ngọt.
Sản phẩm bánh ngọt của chị Nguyễn Thị Xuân Hương, ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). |
Chị Hương kể, ban đầu, tôi làm bánh chỉ để phục vụ đam mê của bản thân, rồi tặng cho người thân, bạn bè, nhưng được mọi người khen và yêu thích nên tôi quyết định mở một cơ sở nhỏ bán bánh, trà sữa. “Thời gian đầu khởi nghiệp, bắt tay vào việc học, mày mò làm bánh thật sự rất vất vả. Tuy nhiên, tôi muốn làm chủ cuộc đời mình, muốn sở hữu những đồng tiền do bản thân làm ra nên không nản lòng. Phụ nữ khởi nghiệp lúc trẻ tuổi, khi mới lập gia đình, con còn nhỏ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn nam giới, nhưng chỉ cần mỗi ngày nỗ lực hơn một chút, không bỏ cuộc thì khó khăn nào cũng sẽ qua”, chị Hương bộc bạch.
Sau khoảng thời gian dịch Covid-19, tiệm trà sữa, bánh ngọt đành phải đóng cửa, nhưng các đơn hàng trực tuyến, đặt bánh ngọt giao tận nhà vẫn tấp nập. Từ đó, chị Hương quyết tâm theo đuổi, đăng ký học các lớp làm bánh nâng cao từ bánh âu, bánh sinh nhật, bánh trung thu, bánh quê... “Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm tôi đều đăng ký đi học những lớp nâng cao về nghề làm bánh. Dù các công thức tôi đều đã nắm nhưng mỗi năm sẽ có thêm những cải tiến, xu hướng mới về mẫu mã, hình thức trang trí bánh nên phải chịu khó học tập, cập nhật kiến thức. Hiện nay, cơ sở bánh ngọt của tôi cung cấp ra thị trường đa dạng các loại bánh, trong đó có một số loại bánh được khách hàng rất ưa chuộng như bánh bò nướng đường thốt nốt, bánh da lợn, chuối hấp, bánh bông lan trứng muối, su kem, mousse, tiramisu... Hầu như hơn 70% số lượng bánh làm hằng ngày, đều được mối quen lấy sỉ”, chị Hương chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở bánh ngọt của chị Hương tạo việc làm thường xuyên cho 1 lao động nữ và 4 lao động thời vụ. Công việc làm bánh ngọt khá vất vả và cần sự tỉ mỉ, nhưng với đam mê, chị Hương vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong các khâu và đứng bếp. Chị Hương bộc bạch, nghề làm bánh không phải cứ làm đúng công thức là sẽ ngon, mà tùy vào bàn tay, sự tận tâm của mỗi người sẽ cho những thành phẩm khác nhau. Tôi đi học nhiều công thức từ nhiều người giảng dạy, sau đó về tự mày mò thêm để rút ra công thức riêng của mình, từ đó mới tạo sự khác biệt, dấu ấn trong lòng khách hàng. Nghề nào cũng có sự cạnh tranh và nghề làm bánh cũng như thế, nhưng nếu làm nghề bằng cả đam mê và sự cầu tiến thì chắc chắn sẽ thành công.
Bài, ảnh: KHẢI NAM
TIN, BÀI LIÊN QUAN: