Phòng cháy, chữa cháy:Trách nhiệm của toàn dân 

15:42, 23/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là trách nhiệm của toàn dân, cần thực hiện tốt với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn.

Nâng cao ý thức người dân

Thời gian qua, công tác PCCC trên địa bàn xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) được duy trì thường xuyên, liên tục theo phương châm “4 tại chỗ”. Mỗi hộ gia đình đã trang bị ít nhất một bình chữa cháy. Công tác PCCC được thực hiện tích cực, trở thành phong trào sôi nổi trong toàn xã. Đặc biệt, có 10 hộ gia đình sử dụng nhà để ở kết hợp kinh doanh tại thôn An Ba, xã Hành Thịnh, đã thành lập Tổ liên gia an toàn PCCC. Các hộ gia đình đều trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ; tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Văn Dương, ý thức của người dân về PCCC được nâng cao, nhất là từ khi thành lập Tổ liên gia an toàn PCCC.

Diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.                                                                                   Ảnh: B.YÊN
Diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: B.YÊN

Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quảng Ngãi hiện có 35 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 6 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và Trung tâm giao nhận xăng dầu tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quảng Ngãi Phan Thanh Bình cho biết, là đơn vị chuyên kinh doanh xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu nên công tác PCCC luôn được quan tâm trên hết, bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng của công ty. Có 100% lực lượng PCCC cơ sở được cử tham gia huấn luyện nghiệp vụ PCCC.

Đồng thời, công ty thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, thực tập phương án chữa cháy, tổ chức kiểm tra công tác an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên tất cả các cửa hàng, trung tâm. Toàn bộ đội ngũ quản lý, nhân viên và người lao động luôn tự giác chấp hành, ý thức cao trong công tác PCCC và CNCH. Công ty  trang bị đầy đủ phương tiện PCCC tại các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh và công an các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi tại khu dân cư, tuyên truyền thông qua mạng xã hội; triển khai ứng dụng “báo cháy 114”; diễn tập các phương án PCCC. Vận động hơn 17 nghìn hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay; vận động xã hội hóa trang bị 2.000 bình chữa cháy để tặng cho các hộ nghèo, nâng tổng số hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ toàn tỉnh lên hơn 341 nghìn hộ.

Bên cạnh đó, phong trào toàn dân PCCC và CNCH cũng được chú trọng. Các địa phương tiếp tục củng cố mô hình an toàn PCCC và CNCH. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 667 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC; 477 mô hình điểm chữa cháy công cộng... Các mô hình hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao kiến thức, ý thức của người dân trong việc PCCC.

Cần khắc phục hạn chế 

Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lơ là, xem nhẹ công tác PCCC.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5,8 tỷ đồng và 12,3ha rừng trồng. Trong đó, có 6 vụ cháy nhà dân; 1 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 2 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh; 2 vụ cháy cửa hàng tạp hóa...

Thượng tá Huỳnh Thanh Hải- Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết, qua điều tra, lực lượng chức năng đã làm rõ 33/40 vụ cháy, trong đó có 19 vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 11 vụ cháy do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... Điều này cho thấy ý thức chấp hành các quy định an toàn về PCCC của người dân chưa cao. Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, sơ suất trong việc sử dụng lửa, nhiệt và thiết bị điện.

Việc trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu chưa đầy đủ, sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn; lối thoát nạn bị cản trở hoặc không đảm bảo khoảng cách. “Ðể hạn chế thấp nhất sự cố và thiệt hại do cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và công an các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 1.415 lượt kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối các cơ sở thuộc diện quản lý. Qua kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính 67 trường hợp, phạt tiền 275 triệu đồng”, Thượng tá Huỳnh Thanh Hải cho biết. 

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh kiểm tra tại Siêu thị GO! Quảng Ngãi. Ảnh:  PV
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh kiểm tra tại Siêu thị GO! Quảng Ngãi. Ảnh: PV

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo có hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH định kỳ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ. Bảo đảm lực lượng thường trực, sẵn sàng chữa cháy, CNCH. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thực hành, trải nghiệm các kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn đến người dân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Trong đó, công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn.

B.SƠN - B.YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN: 


 

Xuất bản lúc: 15:42, 23/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.