Hành trình san sẻ yêu thương

16:04, 20/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu cuộc sống còn lắm nhọc nhằn, song chị Phạm Thị Lý (51 tuổi), ở thôn Bàu Chuốc, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn luôn chia sẻ yêu thương, mang đến niềm vui cho nhiều mảnh đời bất hạnh.

Hành trình làm việc thiện của chị Lý hơn 10 năm qua. Đây là quãng thời gian ý nghĩa, hạnh phúc của cuộc đời chị.

Từ lòng biết ơn...

Chị Phạm Thị Lý dáng người nhanh nhẹn. Thoạt nhìn, ít ai biết trước đây chị từng có thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Lúc trước, chị Lý chăn nuôi heo và nấu ăn cho một số công ty tư nhân ở huyện Bình Sơn. Chồng chị đi biển. Hằng ngày, chị cần mẫn lao động để cùng chồng nuôi các con ăn học. Dẫu cuộc sống còn nhiều lo toan nhưng là người nhiệt tình, năng nổ nên chị không từ chối bất kỳ hoạt động, phong trào nào ở địa phương. Tinh thần nhiệt huyết của chị Lý đã tạo sự tin tưởng, yêu mến trong chị em phụ nữ. Năm 2000, chị được chị em tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ phụ nữ tổ 6, thôn Bàu Chuốc.

Mẹ đỡ đầu của Việt

Em Phạm Hùng Việt, học sinh lớp 8, Trường THCS Bình Chánh bị khuyết tật ở tay. Năm 2020, bố của Việt qua đời vì đột quỵ. Em sống cùng mẹ và bà ngoại đã già yếu. Thấy hoàn cảnh gia đình của Việt khó khăn, mẹ em lại không có công việc ổn định nên từ tháng 12/2023, chị Lý nhận đỡ đầu em Việt với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng. Đó là những đồng tiền mưu sinh mà chị Lý chắt chiu mới có được. Gần 1 năm làm mẹ đỡ đầu của Việt, chị Lý đã mang đến niềm vui, sự động viên to lớn giúp Việt vững tin trên con đường học tập. “Mẹ Lý không chỉ cho con tiền, sữa, bánh kẹo, mà sự quan tâm, tình thương của mẹ đã giúp con vơi bớt nỗi buồn. Năm vừa rồi, con đã nỗ lực học tập và đạt học sinh khá. Con sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để đạt thành tích cao trong học tập, không phụ tình yêu thương của gia đình và mẹ Lý đã dành cho con”, em Việt chia sẻ.

 

Nhờ sự động viên, quan tâm của chị Phạm Thị Lý, em Phạm Hùng Việt ngày càng tự tin, nỗ lực trong học tập.
Nhờ sự động viên, quan tâm của chị Phạm Thị Lý, em Phạm Hùng Việt ngày càng tự tin, nỗ lực trong học tập.

Cứ tưởng cuộc sống êm đềm trôi qua, thế nhưng năm 2008, chị Lý phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Cuộc sống gia đình chị Lý như đảo lộn, rơi vào cảnh bế tắc. "Tôi không nhớ nổi mỗi năm đi vào TP. Hồ Chí Minh bao nhiêu lần để khám, điều trị bệnh. Có những lúc gia đình kiệt quệ, không còn tiền chạy chữa, tôi chỉ muốn buông xuôi. Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, tôi và gia đình đã được người thân, bà con lối xóm và ngay cả những người không quen biết cưu mang, hỗ trợ. Ở quê nhà thì bà con lối xóm gom góp, ủng hộ tiền để tôi có điều kiện điều trị bệnh, còn ở bệnh viện thì tôi được nhận những bữa ăn miễn phí. Nhờ sự tiếp sức, tình yêu thương ấy đã giúp tôi mạnh mẽ chống chọi với bệnh tật trong suốt 5 năm. Đến năm 2013, bệnh được kiểm soát, sức khỏe của tôi dần ổn định", chị Lý kể.

"Chị Phạm Thị Lý gắn bó với công tác, phong trào phụ nữ ở địa phương đã hơn 20 năm. Dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhưng trong các hoạt động phong trào, từ thiện, chị luôn là người đi đầu, tích cực mang yêu thương đến với mọi người. Chị là người khởi xướng “Bữa sáng yêu thương” đầu tiên của phụ nữ huyện Bình Sơn. Mới đây, chị Lý được Hội LHPN tỉnh biểu dương là mẹ đỡ đầu tiêu biểu trong Chương trình “Mẹ đỡ đầu” năm 2024”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Chánh 
NGUYỄN THỊ NHIỀU

Sau khi khỏe mạnh trở lại, việc đầu tiên chị Lý nghĩ đến là thực hiện mô hình “Bữa sáng yêu thương” dành cho người nghèo khó, neo đơn, khuyết tật. Chị Lý trải lòng, sau khi chiến thắng bệnh tật, quay lại với cuộc sống bình thường, tôi không biết làm sao để trả hết ơn nghĩa, tình cảm mà cuộc đời, mọi người đã dành cho tôi. Nhớ đến những bữa cơm, bữa cháo miễn phí, ấm áp tình người trong lúc điều trị bệnh, tôi cũng muốn thực hiện mô hình ý nghĩa ở địa phương. Vào tháng Ba âm lịch năm 2013, chị Lý tự bỏ tiền túi, công sức nấu “Bữa sáng yêu thương” để hỗ trợ những mảnh đời khó khăn. Đây là mô hình “Bữa sáng yêu thương” đầu tiên của phụ nữ Bình Sơn. Và cũng là dấu mốc để khởi đầu cho hành trình chia sẻ yêu thương, làm việc thiện của chị Lý.

…đến hành trình chia sẻ yêu thương

Đều đặn mỗi tháng, chị Lý thực hiện “Bữa sáng yêu thương” vào ngày rằm và mùng Một (âm lịch). Để có những suất ăn sáng bổ dưỡng cho người nghèo, chị Lý thường đi chợ từ chiều hôm trước để mua các loại củ quả và sơ chế trước. Đến hôm sau, chị dậy từ 2 giờ sáng để nấu cháo. Trung bình mỗi nồi cháo sử dụng khoảng 10kg gạo, 10kg rau củ, cung cấp hơn 250 suất ăn sáng cho người nghèo, neo đơn trên địa bàn xã. Thấy được ý nghĩa của mô hình “Bữa sáng yêu thương”, nhiều người dân, tiểu thương, phụ nữ ở địa phương tham gia góp tiền, công sức để cùng chị Lý nấu cháo.

Nhờ thế, mỗi “Bữa sáng yêu thương” tăng lên 400 - 600 suất. Không chỉ phục vụ cho các cụ già, người yếu thế trong xã mà còn ở các xã lân cận như Bình Thạnh, Bình Nguyên... Từ “Bữa sáng yêu thương” do chị Lý khởi xướng, đến năm 2021, mô hình này đã nhân rộng 5/5 thôn trong xã. Cụ bà Phan Thị Viên (82 tuổi), ở thôn Quang Trung bộc bạch, hơn 10 năm qua, cứ đều đặn 2 lần/tháng, tôi được nhận cháo do cháu Lý đứng ra nấu. Các cháu bên hội phụ nữ mang những phần cháo đến tận nhà cho tôi. Được các cháu quan tâm, ăn những tô cháo đủ dinh dưỡng, những người già, nghèo khó như tôi cảm thấy rất ấm lòng.

Chị Phạm Thị Lý (thứ ba từ trái sang) cùng với cán bộ, hội viên phụ nữ trong 
Chi hội Phụ nữ thôn Bàu Chuốc, xã Bình Chánh thực hiện “Bữa sáng yêu thương”.
Chị Phạm Thị Lý (thứ ba từ trái sang) cùng với cán bộ, hội viên phụ nữ trong Chi hội Phụ nữ thôn Bàu Chuốc, xã Bình Chánh thực hiện “Bữa sáng yêu thương”.

Từ năm 2021 đến nay, chị Lý làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bàu Chuốc. Chị gắn kết chị em hội viên, phụ nữ trong thôn cùng làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Bên cạnh việc duy trì thực hiện “Bữa sáng yêu thương”, chị Lý còn xây dựng mô hình “Thu gom phế liệu”. Từ mô hình này, mỗi năm thu về hơn 6 triệu đồng, trao từ 20 - 30 suất quà/năm cho phụ nữ, trẻ em nghèo. Với năng khiếu nấu ăn, chị Lý còn làm Tổ trưởng Tổ dịch vụ nấu ăn của Chi hội Phụ nữ thôn Bàu Chuốc. Lợi nhuận từ nấu đám tiệc, chị Lý và các thành viên trong tổ trích mỗi năm hơn 15 triệu đồng để hỗ trợ gạo, sữa thường xuyên cho các cụ già neo đơn ở thôn.

Chị Phạm Thị Lý (ngoài cùng bên trái) cùng chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn Bàu Chuốc họp bàn tổ chức các hoạt động từ thiện.
Chị Phạm Thị Lý (ngoài cùng bên trái) cùng chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn Bàu Chuốc họp bàn tổ chức các hoạt động từ thiện.

Tấm lòng nhân ái của chị Lý và một số cán bộ, hội viên phụ nữ thôn Bàu Chuốc ngày càng lan tỏa. Nhiều người ở địa phương và con em xa quê nhiệt tình đóng góp, ủng hộ tiền để chi hội phụ nữ thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo.

Tâm nguyện giúp đỡ người nghèo được chị Lý duy trì thực hiện như là cách để cảm ơn cuộc đời. Bởi thế, cuộc sống dù lắm nhọc nhằn, chị vẫn mải miết làm việc thiện để mang yêu thương đến cho mọi người.

Bài, ảnh: HIỀN THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:04, 20/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.