(Báo Quảng Ngãi)- Nước thải, chất thải sinh hoạt từ cộng đồng dân cư, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề... xả trực tiếp ra hệ thống công trình thủy lợi (CTTL), vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm mất an toàn công trình. Dù các cơ quan, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, nên cần có biện pháp xử lý nghiêm.
Những tuyến kênh ô nhiễm
Tuyến kênh Thích Lý, đoạn từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến trục Bàu Giang - Cầu Mới, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) là một trong những “điểm đen” gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông N.V.T, ở khu đô thị Ngọc Bảo Viên cho biết, tuyến kênh to nhưng nước đọng, mà lại “hứng” cả nước thải, kể cả chất thải lẫn xác động vật, nên nước liên tục chuyển màu, từ vàng sang đen, rất hôi.
Trong khi đó, kênh N6, đoạn qua xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) và các xã, phường: Nghĩa Lộ, Chánh Lộ, Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) hay các tuyến kênh thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham, đoạn qua các xã Hành Nhân, Hành Phước (Nghĩa Hành) và Đức Hiệp (Mộ Đức)... cũng ngày càng ô nhiễm, do phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải, rác thải, xác động vật...
Nhân viên Trạm Quản lý thủy nông số 6, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, vớt rác tại tuyến kênh thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham, đoạn qua huyện Tư Nghĩa. |
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi Hà Thế Vinh, công ty thường xuyên tổ chức vớt và xử lý rác thải, nhất là tại một số tuyến kênh “hở” qua địa bàn TP.Quảng Ngãi, như: N6, Thích Lý, B8, B10... Tuy nhiên, khối lượng rác thải tại các tuyến kênh trên rất lớn, hơn 400 tấn/năm, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, mà còn gây ách tắc dòng chảy, mất an toàn công trình.
Cần xử lý nghiêm
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường các CTTL, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý, khai thác công trình thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức cho các hộ dân, cơ sở sản xuất tại các địa phương có CTTL đi qua ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là việc không vứt, đổ, xả chất thải vào kênh, mương, sông... thuộc hệ thống thủy lợi.
Theo Công văn số 3983 ngày 2/8/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường các CTTL trên địa bàn tỉnh, thì Sở NN&PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị quản lý, khai thác CTTL tăng cường tuyên truyền, gắn với kiểm tra để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường tại các CTTL. Sở TN&MT không tham mưu tỉnh phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào CTTL không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông báo công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và gây ô nhiễm nguồn nước ở các CTTL. |
Ông Vinh cho biết, công ty đã rà soát, lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ CTTL gắn với thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ CTTL. Qua đó, thường xuyên, chủ động kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân xả chất thải rắn sinh hoạt, xả nước thải vào CTTL để kịp thời ngăn chặn và báo cáo cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để hệ thống CTTL không phải hứng chịu ô nhiễm, ngoài cộng đồng trách nhiệm của người dân, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Theo đại diện Sở TN&MT, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả nước thải, chất thải vào các CTTL đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép xả thải vào CTTL. Cùng với đó là, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, chất thải xả ra CTTL để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Bài, ảnh: THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: