Thiên tai ngày càng khốc liệt

14:45, 12/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến chiều ngày 11/9/2024, bão Yagi (bão số 3) đã làm 155 người chết, 141 người bị mất tích và làm nhiều người bị thương. Đồng thời, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống của người dân.

Toàn bộ 35 ngôi nhà thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh bị vùi lấp hoàn toàn - Ảnh: Báo Lào Cai
Toàn bộ 35 ngôi nhà thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh bị vùi lấp hoàn toàn. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đây là cơn bão có rất nhiều “kỷ lục” mà không ai mong muốn. Đó là: Cơn bão có sức gió mạnh nhất thế giới trong năm 2024 (ghi nhận đến thời điểm hiện nay), khi đạt cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17); cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Biển Đông trong vòng 30 năm qua; cơn bão có cấp độ tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão tại Việt Nam (trong 8 tiếng đã tăng 4 cấp, từ cấp 12 lên cấp 16); cơn bão có thời gian hoành hành trên đất liền Việt Nam lâu nhất từ trước đến nay.

Có thể thấy, mặc dù Việt Nam và nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung thường xuyên xảy ra bão lũ, nhưng chưa có cơn bão nào có sức tàn phá khủng khiếp, càn quét trên diện rộng như cơn bão Yagi và nó nằm “ngoài sức tưởng tượng” của nhiều người, nhất là người dân các tỉnh phía bắc, vốn ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Không những thế, ngay sau khi bão đi qua, hoàn lưu bão đã gây mưa lớn đến rất lớn ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc gây nguy cơ sạt lở, lũ quét, sập cầu... Chính vì thế, mặc dù công tác chuẩn bị, ứng phó kịp thời nhưng siêu bão này đã gây ra những mất mát và hậu quả rất nặng nề.

Điều này cho thấy, thiên tai ngày càng khốc liệt, diễn biến khôn lường và có những yếu tố chưa có... tiền lệ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, bão Yagi có mức độ giảm cấp không theo quy luật thông thường. Bởi, theo thông thường thì các cơn bão đổ bộ vào đất liền sau 3 - 4 giờ sẽ thành áp thấp, nhưng bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh đã “đứng im” một chỗ đến 5 giờ nên mức độ tàn phá càng nặng nề.

Biến đổi khí hậu là cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm gần đây và biểu hiện ngày càng rõ nét. Chính vì thế, với một đất nước thường xuyên bị bão lũ và là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam phải sớm thích ứng và có sự chuẩn bị chủ động, khoa học.

Vệt Nam đã xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, việc cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, công bố kịch bản cần thực hiện linh hoạt, kịp thời, chứ không nên “đóng đinh” theo chu kỳ 5 năm như quy định hiện hành (Khoản 2, Điều 36 Luật Khí tượng thủy văn). Trên cơ sở của kịch bản này, cần có đánh giá toàn diện nguy cơ ở các khu vực, để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả cho từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó, cần có giải pháp công trình, phi công trình để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Một việc cũng cần quan tâm là đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn ở mức cao nhất có thể về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, để cung cấp thông tin dự báo chính xác, giúp các cấp chính quyền và người dân địa phương biết và chủ động ứng phó. Và khi xảy ra thiên tai, chính quyền và người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, để hậu quả do thiên tai gây ra giảm thiểu thấp nhất có thể.

HOÀNG HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 14:45, 12/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.