Hậu phương của người lính 

10:04, 22/07/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với tình yêu thương và sự sẻ chia, những người vợ của cán bộ, chiến sĩ công tác trong quân đội trở thành hậu phương vững chắc. Họ vừa làm cha, vừa làm mẹ, cáng đáng mọi việc gia đình để chồng yên tâm công tác. 
 
Tranh thủ dịp nghỉ hè, vợ chồng chị Dương Thị Thúy Kiều (43 tuổi), đưa hai con về thăm quê nội ở Hà Tĩnh. Chị Kiều hiện công tác tại Trường Mầm non xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Chồng chị Kiều là anh Phan Thúc Định (45 tuổi), công tác tại Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, đóng quân ở tỉnh Bình Định. Dù còn 10 ngày nữa mới hết thời gian nghỉ phép nhưng  anh Định phải trở lại đơn vị do có việc đột xuất. Dẫu tiếc nuối bởi cả năm gia đình mới có dịp ở bên cạnh nhau, nhưng cả nhà đều hiểu và thông cảm cho anh. 
 
Gia đình chị Dương Thị Thúy Kiều chụp ảnh nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới.                            Ảnh: NVCC
Gia đình chị Dương Thị Thúy Kiều chụp ảnh nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Ảnh: NVCC

Chị Kiều cho biết, trước đây, anh Định công tác tại Trung đoàn 48 ở Gia Lai. Chị gặp anh trong chuyến anh về công tác tại Quảng Ngãi, khi chị còn làm tại Bưu điện văn hóa xã Nghĩa Hiệp. Cảm phục hình ảnh bộ đội Cụ Hồ và mến tính thật thà của anh, nên chị đem lòng yêu. Sau khi kết hôn, anh Định đi học tại Nghệ An rồi chuyển công tác lên Kon Tum, hai vợ chồng luôn ở cách xa nhau.

“Làm vợ bộ đội phải chịu nhiều thiệt thòi. Ngày tôi sinh con đầu lòng, chỉ có người nhà chăm lo, khiến tôi có chút tủi thân. Khi tôi sinh con gái đầu lòng, vài ngày sau anh mới về được. Lúc tôi sinh con thứ hai, phải một tuần sau anh mới về đến nhà. Có lần mới về ngày hôm trước, hôm sau anh phải trở lại đơn vị công tác. Thời gian con còn nhỏ, nhà cửa chưa ổn định, tôi rất vất vả. Nhờ sự hỗ trợ của người thân, đồng nghiệp và sự động viên của chồng đã giúp tôi vượt qua tất cả”, chị Kiều chia sẻ.

Là vợ bộ đội, chị Nguyễn Thị Mỹ Nương (41 tuổi), ở xã Đức Minh (Mộ Đức) vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi dạy con và cáng đáng mọi việc trong gia đình. Anh Nguyễn Tiến Hải, chồng chị Nương, hiện công tác tại Đồn Biên phòng Bình Thạnh (Bình Sơn). “Thời gian anh công tác ở Đồn Biên phòng Đức Minh, dù gần nhà nhưng chỉ có thể tranh thủ ghé thăm vợ con trong chốc lát. Các dịp nghỉ lễ, nhìn thấy vợ chồng người ta chở nhau đi chơi, tôi một mình lủi thủi chăm con thấy cũng buồn. Song, tôi dặn lòng mình phải mạnh mẽ để anh yên tâm công tác", chị Nương trải lòng. 

Chồng công tác xa nhà, chị Nguyễn Thị Mỹ Nương cáng đáng mọi việc trong gia đình, kể cả việc sửa chữa thiết bị điện.
Chồng công tác xa nhà, chị Nguyễn Thị Mỹ Nương cáng đáng mọi việc trong gia đình, kể cả việc sửa chữa thiết bị điện.

Mỗi lần thấy bóng dáng cha trong bộ quân phục màu xanh dừng xe trước nhà, cô con gái 5 tuổi của vợ chồng chị Trịnh Thị Hồng Lam (39 tuổi), ở xã Đức Minh lại mừng rỡ nói thật to: “Ba dắt xe vào nhà đi”. “Nếu anh dắt xe vào nhà, đồng nghĩa với việc thời gian anh ở nhà lâu hơn. Còn anh để xe ngoài cổng, chỉ thăm nhà được một lát rồi phải đi. Con gái luôn trông ngóng từng giây phút được chơi với ba như thế. Mỗi lần trở lại đơn vị, anh phải dắt bộ xe máy đi thật xa, rồi mới lên xe đề máy nổ chạy đi”, chị Lam bày tỏ.

Chồng chị Lam quê ở Hà Tĩnh, trước đây, anh công tác tại huyện Lý Sơn. Chị Lam nhớ mãi kỷ niệm ngày đám hỏi của anh chị chỉ có gia đình hai bên, không có chú rể vì lúc ấy anh đi học tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Đám cưới tổ chức vào cuối năm, anh được nghỉ phép, nhưng chỉ vài hôm sau phải trở lại đơn vị. Sau này, chồng chị Lam được chuyển công tác về đất liền, dù đơn vị và nhà không cách xa nhau, nhưng số lần gặp cũng ít ỏi.

Dẫu không phải đối diện với những hiểm nguy như trong thời chiến, song những người lính giữa thời bình cũng phải chịu nhiều vất vả. Vì xa cách, nhiều người không có điều kiện chăm sóc gia đình, việc nhà đều trông cậy vào vợ con. Ở đó, có những người vợ tảo tần, chung thủy, luôn nỗ lực chăm lo cho gia đình, là hậu phương để những người lính yên tâm công tác, bảo vệ Tổ quốc.r

Bài, ảnh: BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:04, 22/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.