(Báo Quảng Ngãi)- Nồi đồng là vật dụng sinh hoạt quen thuộc trong gia đình của người dân xứ Quảng thuở xưa. Đây là một trong những vật dụng gợi nhớ về cuộc sống làng quê một thuở.
Nồi đồng được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. ẢNH: PHƯƠNG DUNG |
Cũng như các sản phẩm khác như chuông, cồng chiêng, lư, chân đèn... nồi đồng chủ yếu được làm ra từ Phường Đúc (Huế), làng đúc Phước Kiều (Quảng Nam). Thời vàng son nhất của nghề đúc nồi đồng cũng như các công cụ bằng đồng là khoản từ năm 1940 - 1945. Lúc bấy giờ, thị trường tiêu thụ nồi đồng khá rộng lớn, từ người Kinh ở đồng bằng miền Trung đến đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đều dùng nồi đồng. |
Các loại nồi đồng dù to hay nhỏ đều có hình dáng giống nhau, có bụng rộng, phần hông nồi nở ra xung quanh, miệng nồi hơi loe ra. Tùy theo kích cỡ mà người ta phân thành các loại nồi đồng khác nhau, từ nồi 1 đến nồi 10. Nồi 10 lớn nhất còn gọi là nồi bung, có 4 coi (tai), các loại nồi nhỏ chỉ có 2 coi. Coi của loại nồi bung lớn dùng để xỏ dây vào khiêng hoặc bắc lên bếp cho tiện. Nồi đồng “mẹ bồng con” là nồi đồng đặc biệt, ngoài 4 coi, người thợ đúc đồng còn gắn vào trên vành miệng 2 - 3 chiếc nồi thu nhỏ. Đây là loại nồi đồng quý hiếm, chỉ một số gia đình giàu có mới sắm được. Nồi đồng có tính thẩm mỹ nên dùng để trang trí trong nhà. Cùng với cái coi, xung quanh nồi đồng còn có nhiều hoa văn tinh tế hình hoa lá, chim muông, đường chỉ nổi chạy vòng quanh thân nồi, thể hiện năng khiếu thẩm mỹ của nghệ nhân làng đúc.
Trước đây, nhà giàu ở xứ Quảng đều có vài bộ nồi đồng. Nồi đồng dùng để nấu bánh vào các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hỏi... Nồi bung dùng để nấu rượu, tráng bánh, nấu cơm trong ngày hội làng, giỗ chạp tộc họ. Nồi đồng cỡ lớn được sử dụng để tráng bánh làm mì quảng và bánh tráng, món ăn phổ biến của người dân xứ Quảng. Khi tráng bánh, đổ vào nồi nhiều nước đun bằng củi cho nước sôi đều bốc lên nhiều hơi nóng. Miếng vải trắng mỏng trùm căng trên mặt nồi, lấy vài sợi dây buộc chặt ở phần eo nồi. Người làm bánh đổ nước bột gạo trên miếng vải, chỉ trong tích tắc bánh sẽ chín, dùng que tre mỏng lấy bánh ra phơi.
Nồi đồng mẹ bồng con, đồ vật quý của người dân xứ Quảng thuở xưa. ẢNH: TẤN VỊNH |
Nồi đồng loại nhỏ để nấu cơm, nấu canh ở các gia đình thôn quê ngày trước. ẢNH: TẤN VỊNH |
Các loại nồi nhỏ hơn từ nồi 1 đến nồi 5 dùng để nấu cơm, trộn bột nếp, nấu nước đường để làm các loại bánh như bánh nổ, bánh lăn... Ngày xưa, nồi đồng cũng để nấu cơm hằng ngày ở các gia đình thôn quê. Cơm nấu trong nồi đồng có mùi vị thơm ngon. Đối với đồng bào miền núi, dùng nồi đồng để nấu cơm, nấu rượu, luộc thịt, nấu canh, đựng nước uống rượu cần trong các lễ hội lớn của làng...
Từ lâu, nồi đồng không còn được các làng đúc chế tác và không còn ai sử dụng nồi đồng để nấu ăn. Không như các đồ vật khác dễ bị hư hỏng qua thời gian, nồi đồng thuở xưa vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Một số cơ sở mua bán, chế tác sản phẩm đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều (Quảng Nam) mua lại từ nhiều nguồn khác nhau và đã tích góp, lưu giữ hàng nghìn chiếc với nhiều kích cỡ. Từ đây, chúng sẽ được cung cấp cho các làng du lịch... Với những giá trị về mặt tạo hình như hình dáng, hoa văn... những chiếc nồi đồng bắt đầu xuất hiện trở lại khi các khu du lịch sinh thái, quán cà phê... dùng nồi đồng để trang trí nội thất, ngoại thất. Chiếc nồi bung được đổ đầy nước để thả bèo, cắm sen, tạo cảm giác mát mẻ, xinh xắn, cũng như tạo không gian yên tĩnh mang dáng dấp làng quê.
Nồi đồng là vật dụng đã lùi vào quá khứ nhưng nó vẫn tồn tại trong ký ức của những bậc cao niên. Hiện nay, các bảo tàng ở miền Trung và Tây Nguyên trưng bày bộ sưu tập nồi đồng, lưu lại cho mai sau một sản phẩm sáng tạo văn hóa vật chất quý giá của người dân xứ Quảng.
TẤN VỊNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: