(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là dự án 4 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025. Để thực hiện dự án trên, Quảng Ngãi đã và đang tập trung đào tạo nghề gắn với đặc điểm của lao động ở địa phương và theo hướng “cầm tay, chỉ việc”.
Người lao động thuộc hộ nghèo ở huyện Sơn Tây học nghề sửa máy nông nghiệp theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. |
Tại huyện Sơn Tây, nhiều hộ nghèo đã được học các nghề phù hợp và ứng dụng vào sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Hộ gia đình anh Đinh Văn Hùng, ở xã Sơn Liên là hộ nghèo. Cuối năm 2022, anh Hùng được hỗ trợ hai con bò sinh sản từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và được tạo điều kiện tham gia 3 tháng học nghề về chăn nuôi gia súc gia cầm do Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây tổ chức. Được học kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản, anh Hùng mạnh dạn vay vốn ưu đãi mua thêm hai con bò để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ học nghề về chăn nuôi nên anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nhất là nhận biết được các loại bệnh thường gặp ở bò. “Trước đây tôi cũng nuôi bò, nhưng khi bò bị bệnh thì tôi không biết phải xử lý như thế nào nên bò gầy, yếu, bán không được giá. Sau khi được học nghề, tôi được hướng dẫn cách phát hiện sớm các dấu hiệu của những loại bệnh trên bò, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả hơn”, anh Đinh Văn Hùng chia sẻ.
Thời gian qua, huyện Sơn Tây tích cực triển khai dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ năm 2021 đến nay, đã có gần 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và sửa chữa máy nông nghiệp. Lao động được đào tạo theo phương châm “cầm tay, chỉ việc” nên nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế. Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây Phan Huỳnh Sơn cho biết, lao động học nghề được học và thực hành tại chỗ theo giáo trình các thầy cô biên soạn. Ngoài ra, họ còn tham gia dự án chăn nuôi và đã thực hành, chăm sóc chính vật nuôi của họ, nên hiệu quả mang lại rất tốt.
Không chỉ khảo sát nhu cầu học nghề của lao động để mở lớp, huyện Sơn Tây còn lồng ghép việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để nâng cao số lượng lao động trên địa bàn được đào tạo nghề. Như thông qua triển khai dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế sẽ được kết hợp hỗ trợ đào tạo nghề theo dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Năm 2023, huyện Sơn Tây tiếp tục mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 340 lao động học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả. Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, nhất là hỗ trợ lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm cho biết, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm cho lao động trong độ tuổi từ 18 - 40 tuổi ở địa phương. Đồng thời, tập trung vận động thanh niên đăng ký đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2023, huyện Sơn Tây đã đưa đi được 7 người, hiện còn 5 người đang tham gia học nghề để tiếp tục tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài trong thời gian tới. Ngoài ra, tăng cường tư vấn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,67%.
Bài, ảnh: VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: