(Báo Quảng Ngãi)- Mai Phương, một công chức ở TP.Hồ Chí Minh, đưa bé Nấm 5 tuổi về ngoại (ở xã Phổ Châu, TX.Đức Phổ) nghỉ hè. Chị Phương ra “hạn mức” chỉ cho nó chơi một tuần rồi về học chữ để năm tới vào lớp 1.
Chị đã quên “khung trời” lớp 1 ngày xưa của tôi và chị. Đang đùa nghịch nhưng ba rủ đi câu cá mương hoặc mẹ rủ đi nhổ đậu là hớn hở đi liền. Tối nằm sấp trên thềm nhà tập viết, tập đánh vần cỡ nửa tiếng là mắt híp lại. Học với cái đèn dầu tù mù mà cô khen “đứa nào cũng sáng dạ”.
Bé Nấm và Ken chơi trò chơi trên cát. ẢNH: HỒNG NHUNG |
Tôi là cậu của Nấm, mới đưa Nấm tắm biển có một lần thì chị Phương la um lên, cháy hết da non con nhỏ. Thiệt tình, đợi đến khi nắng yếu thì hai cậu cháu mới đi. Mà rồi cũng chỉ ôm Nấm “nhúng” xuống nước vài cái, rồi cùng Nấm nghịch chơi trên thềm cát ướt, cho Nấm biết thế nào là đất quê. Nhìn cặp mắt Nấm, tôi biết nó mê cát, mê biển vô cùng. Nhớ có sách viết: Cứ nhìn vào mắt trẻ để biết chúng cần gì mà dạy. Tôi nghĩ chị Phương nói quá lên. Làm gì tới nỗi cháy hết da non. Chị nghĩ Nấm được làm từ... pha lê chắc.
Hôm sau tôi đi tắm biển một mình. Nấm nhìn theo, mặt mũi buồn xo. Bà ngoại lên tiếng: Đừng đi với cậu má la. Ở nhà chơi với ngoại. Cái điện thoại của nó đâu? Ông ngoại nói: Tui “thu” rồi. Sáng giờ cứ cúi mặt vô đó bấm miết. Người ta nói con hư tại mẹ, cháu hư tại bà cũng có lý. Cầm lòng không đậu, tôi ngoắc Nấm. Nó cười, lóng ngóng mang dép rồi phi ngay ra ngõ. Tiếng bà ngoại đuổi theo: Đi chút xíu rồi về. Để con Phương biết, nó càm ràm mệt lắm.
Buổi tối cúp điện. Cả nhà ngồi ngoài hè cho mát. Tôi “kể tội” chị Phương, nào là cho Nấm học trước chương trình lớp 1 khác nào buộc trái non chín háp. Nào là sợ nắng đen da, sợ đất cát là muốn Nấm như búp bê bọc đường. Chị quên chị của ngày xưa năng động, hồn nhiên mất rồi. Tưởng chị “phản đòn”. Nhưng không, chị chỉ cười buồn, nói ăn theo thuở, ở theo thời cậu ơi. Nhiều phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1 chứ đâu phải mình chị? Còn “vụ” tắm biển, nghịch đất nghịch cát thì hồi nhỏ chị cũng ưng lắm. Thôi thì cậu cứ “huấn luyện” Nấm đi, miễn con bé không cảm sốt, không ghẻ lở là được. Tôi ôm Nấm “de” một tiếng to!
Những ngày còn lại của Nấm thật vui. Nấm theo ông ngoại đi cắt chuối, ra mương coi ếch bơi, dạo bờ rào coi bướm bay, châu chấu nhảy. Nấm biết vì sao nói “tàu dừa chiếc lược chải vào mây xanh”. Nấm nghịch cát, bắt còng, thích thú chơi với thế giới đồ hàng bên gốc mít trước sân. Con bé lôi cả cu Ken hàng xóm cùng chơi vun cát xây đảo. Nghe tôi kể về “một ngày của Nấm”, má Phương vui lắm, nói trời ơi con tui thành “em bé quê” hồi nào vậy ta!
Hôm mẹ con chị Phương về lại thành phố, tôi thấy mặt Nấm buồn thiu. Chợt chị Phương nhìn tôi: “Nấm mê nhà ngoại, mê cậu rồi. Chị tính vầy, nửa tháng sau cậu vào thành phố chơi rồi dẫn Nấm về ngoại “tiêu” cho hết hè luôn. Nhưng mà chơi thì chơi, lâu lâu cậu cũng nên dạy cho nó vài chữ nghen”. Đương nhiên là tôi gật đầu cái rụp!
TRẦN CAO DUYÊN