(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng tảo hôn tại các huyện miền núi trong tỉnh đã giảm trong những năm gần đây, nhưng chưa bền vững.
[links()]
Xã vùng cao Sơn Bua (Sơn Tây) từng là “điểm nóng” về tảo hôn. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể. Em Đ.T.C, ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, là học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và em Đ.V.B, ở xã Sơn Tân (Sơn Tây), quen nhau và tính chuyện hôn nhân ở tuổi vị thành niên. Biết được, chính quyền địa phương đã khuyên nhủ kịp thời và gia đình các em đã cam kết không để xảy ra tảo hôn. Sau đó, em C đã quay trở lại trường học.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn cho biết, nếu trước đây, mỗi năm xã có trên 10 vụ tảo hôn, thì nay đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là thực trạng đáng buồn ở địa phương. Từ đầu năm đến nay, xã ghi nhận 2 trường hợp mang thai trước 18 tuổi. Xã huy động các hội đoàn thể kết hợp với người uy tín trong thôn, xã tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình và các gia đình ký cam kết không để xảy ra tảo hôn.
Thực hiện Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Sơn Tây đã tích cực triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đa dạng. Nhờ đó, trong năm 2021, số vụ tảo hôn giảm. Tuy nhiên, trong năm 2021, huyện ghi nhận 10 trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên.
Cán bộ y tế huyện Sơn Hà tuyên truyền tác hại của tảo hôn cho người dân trên địa bàn. |
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh không có hôn nhân cận huyết thống. Về tảo hôn, nếu như năm 2016 có 355 trường hợp, thì năm 2020 giảm còn 186 trường hợp. Riêng 9 tháng năm 2021 có 107 trường hợp tảo hôn.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn cho hay, các huyện miền núi trong tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn và mang thai trước tuổi vị thành niên gia tăng. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều gia đình thiếu quản lý, giáo dục con em. Bên cạnh đó, sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết...
Hiện các địa phương đang tập trung thực hiện Kế hoạch số 52 của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2 (2021 - 2025). Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, rất nhiều địa phương gặp khó trong triển khai thực hiện đề án.
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ tảo hôn từ 30 - 50% so với giai đoạn 2016 - 2020, ông Mẫn cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác dân tộc. Đồng thời, các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện miền núi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số nỗ lực giảm thiểu tảo hôn; xây dựng mô hình khu dân cư không sinh con thứ ba và không có tảo hôn. Các địa phương cần kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm giáo dục, răn đe những trường hợp vi phạm để nêu gương cho cộng đồng...
Bài, ảnh:
TRÍ PHONG