Truyện ngắn: Quê nhà

11:09, 22/02/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kẹo về tới thị trấn khi cái nắng trưa đã nồng nàn lên phố xá. Chợ tan nhưng vẫn còn lại vài sạp hàng chưa kịp dọn. Mười năm, chừng ấy thời gian tao tác đời mình với đô thành Sài Gòn khiến quãng đường về cứ thế xa ngái. Đôi ba lần lừng khừng muốn về nhưng rồi lại chẳng thể về. May lần này, chuyến công tác cùng đoàn khám bệnh theo chương trình liên kết của hai bệnh viện mà Kẹo mới có thể chạm đất quê xứ. Là quê nhưng chẳng phải là nhà. Thoảng khi chấp chới trong những nhớ nhung, mong ngóng, Kẹo tự hỏi lòng mình, biết ngày về lại có còn ai nhớ đến mình.

Thị trấn vẫn nghiêng mình trong cơn gió xuân muộn màng. Bây giờ đã là những ngày cuối tháng Giêng. Từ Đức Phổ, Kẹo tách đoàn về Nghĩa Hành, quá giang chuyến xe tải nhỏ để về Chợ Chùa.

***

Trong xa xăm của nỗi nhớ đất này, Kẹo chỉ biết mình ngất đi khi đôi mắt vừa chạm cái cổng chợ cũ kỹ, bạc thếch màu thời gian. Năm đó đâu chừng Kẹo vừa lên tám. Gùi hàng rơi xuống làm đống chè tươi rớt ra phủ một góc đường. Khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong ngôi nhà bằng gỗ của ông thợ may có tật ở chân. Người ta xúm lại rất đông, hỏi Kẹo phải từ núi Minh Long tìm về chợ? Kẹo rút mình vào góc của cây cột to đùng. Mắt dáo dác tìm gùi hàng của mình. Ông thợ may lên tiếng để mọi người im lặng.

Trưa đó, Kẹo được ông thợ may có tật ở chân cho ăn một bữa cơm thật ngon, no căng cả bụng. Ông gắn chiếc chân giả vào khuỷu gối rồi lấy chiếc xe đạp hì hụi chở Kẹo ngược về phía núi. Căn nhà bốn bề thốc gió, trống hoác, chỉ có bốn cái cột được bện bằng những cây tre lá chắc chắn. Mẹ của Kẹo nằm đó, trong cơn ho dập dồn, người rệu rã, mắt quầng thâm, thân thể gầy nhom. Ông thợ may bỗng chững lại, lặng yên. Bước khập khễnh lại cái bàn gỗ mục, ngó những chiếc lá xanh mà mẹ của Kẹo làm thuốc, ổng lắc đầu. Thời này sao lại uống lá cây, không xong đâu, ở đấy chờ tôi.

Ngay trong đêm, ông trở lại ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi với vài người đàn ông nữa. Họ cáng mẹ của Kẹo về thị trấn, rồi lên chiếc xe nhỏ ra huyện. Kẹo ở lại nhà ông thợ may chờ. Kẹo chờ đâu chừng nửa con trăng già treo tuốt lên đỉnh Minh Long thì ông thợ may chở Kẹo lên huyện trong chiều mưa ngập ngụa thị trấn. Mẹ thoi thóp nắm bàn tay Kẹo, miệng lí nhí gì đó. Chỉ thấy ánh mắt mẹ nhìn Kẹo rồi nhìn ông thợ may, sau đó từ từ lịm dần. Kẹo chỉ biết khóc, khóc thật to, khóc như trận mưa ngày đó đổ bất tận lên thị trấn.

Những bóng áo trắng lặng im nép mình trong phút giây này! Những bóng áo trắng cứ chập chờn trong giấc mơ của Kẹo những tháng ngày sau đó. Có lần Kẹo nằm mơ thấy mình khoác chiếc áo trắng về lại rừng Minh Long. Mẹ đứng ngay căn nhà cũ vẫy tay. Khi Kẹo chạy đến, mẹ tan biến thành làn mây, trốn vào lá, ẩn vào cây, mất hút. Kẹo giật mình tỉnh giấc, sau những cơn mơ như thế. Kẹo chọn cho mình một ước mơ của năm mười tám tuổi. Ông thợ may tiễn Kẹo xuôi về thành phố nắng âm phương Nam với câu dặn dò. Cái nhà này, và ổng vẫn sẽ chờ Kẹo quay lại. Mớ hành trang ngày đó, Kẹo gói kỹ tấm hình của mẹ mang theo.
Chẳng tròn bây giờ là 10 năm.

***

Căn nhà xưa ấy vẫn vậy. Từ ngày Kẹo đi, duy chỉ có cái khoảng sân phía trước làm tiệm may nay đã thay bằng cái cổng sắt im ỉm. Hồi mẹ mất, ông thợ may giữ Kẹo lại. Về rừng làm chi, mẹ gửi con lại ở đây, ráng mà học, học đến khi nào tự mình nuôi được mình rồi hãy đi. Kẹo chẳng biết đó phải là những lời cuối mẹ nói lại cho ông thợ may nghe hay không, nhưng Kẹo vẫn gật đầu. Ngoài chợ người ta gọi ông thợ may là ba hờ của Kẹo. Có buổi trưa Kẹo tan trường chạy lót tót về nhà ông thợ may, gặp bà cô nào đó ghé tiệm ngồi nói bóng gió ông thợ may khùng. Thân mình lo nổi không mà đèo bòng rước con thiên hạ nuôi. Thằng đó thì đem trả về dưới xuôi đi, trả về nhà nội nó ở Phước Giang đó. Thằng cha nó chết thì nó vẫn còn bên nội mà. Côi cút tứ cố vô thân đâu mà rước về. Bà cô tóc đã lấm tấm màu hoa râm, miệng tô son đỏ, mặt đánh phấn trắng dợt, mặc bộ đồ vải mút-xa-lin in hoa rực rỡ, tay đeo vàng vung sáng cả tiệm may cũ kỹ. Còn nuôi nó là tao về tao lấy lại nhà. Dứt câu thì bà cô ngúng nguẩy bỏ đi.

Kẹo đứng nép một bên, nghe và im lặng. Kẹo biết mình chỉ là thân ở nhờ. Cái Kẹo cần là ngày hai bữa, là số tiền mà ông thợ may cho mỗi tháng đóng học phí. Kẹo làm tất cả việc nhà, tự ý thức thân phận hẩm hiu của mình, né tránh mấy anh chị em của ông thợ may mỗi lần ghé sang nhà chì chiết. Mười tám tuổi, Kẹo dắm dúi giấy báo đậu đại học vào tay, hoang mang chuyện tiền nong học phí, rồi đất xa kẻ lạ. Mười năm, ông thợ may với cái chân xiêu vẹo sau một lần sốt khi mới lên sáu tuổi, đã cưu mang Kẹo. Cả cuộc đời ông không đi đâu khỏi Chợ Chùa. Ông thương cô gái trên núi Minh Long. Nhưng ngày đó đôi chân xiêu vẹo chẳng thể băng rừng, chẳng thể khiến ông tự tin ngỏ lời.

MH:  VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Ông học cái nghề may, mở tiệm, nhờ đôi tay khéo léo, mà khắp Chợ Chùa ai cũng tìm đến may. Mẹ của Kẹo cũng là khách, khách ruột, ruột đến nỗi khi ra về ông thợ may thẩn thờ cả buổi trời. Thiên hạ ngoài chợ vẫn bảo nhau nếu không có thằng thương lái xuôi thuyền từ con sông Phước Giang lên Chợ Chùa để họp chợ với mớ gốm, chum, chóe thì liệu đời mẹ Kẹo có khổ thế này. Thằng thương lái cao ráo, lịch sự, bán buôn giỏi giang. Cái nó có là đôi chân thoăn thoắt leo lên tận rừng. Thời đó, làm gì có xe máy mà chạy vi vu như bây giờ. Nên ba hờ mày thua đó Kẹo. Mấy bà ngoài chợ thoảng khi vẫn gieo vào tai Kẹo những câu chuyện như vết dao bén ngót cứa lòng. Kẹo cứ miên man thả trôi đầu óc mình theo những câu chuyện. Dẫu cũ nhưng vẫn làm nó mông lung. Lúc mẹ mày có bầu, thằng cha ruột mày trốn biệt. Dân thương lái biết đâu mà tìm. Vậy đó mà hay ghê, khi thằng đó bị đau sắp chết thì gia đình nội mày về đây tìm nhận cháu cho có người đội tang. Hình như lúc đó cũng ông ba hờ đón xe đưa mẹ con mày sang đó. Một lần đó rồi chẳng thấy mẹ mày về Phước Giang bao giờ.

Mấy câu chuyện đó, Kẹo nghe đến tận ngày chọn theo ước mơ, rời Chợ Chùa. Ấy thế vẫn cứ ghim nhói lòng. Lòng con người ta luôn nặng nợ. Mười năm ở với ông thợ may, chưa lần nào ổng không thương Kẹo. Nhưng, Kẹo vẫn đi, vì đây không phải là nhà của Kẹo. Phương xa đó, chắc chắn sẽ thắp sáng cái ước mơ sâu hoắm trong lòng Kẹo. Kẹo thưa chuyện và xin đi, dẫu biết mình phải đối mặt với điều gì nơi phồn hoa đô hội. Ông thợ may lặng im, gật đầu. Bữa cơm cuối cùng nơi căn nhà bỗng vương mùi nhang trầm trên bàn thờ của mẹ.  
Khi đến Sài Gòn, Kẹo lục ba lô của mình ra để sắp xếp đồ, bỗng mò trúng một bao giấy gói cẩn thận. Hai triệu đồng tiền mặt và ba chỉ vàng, cùng vài dòng chữ ngắn ngủi: “Chúc con đạt được ước mơ”.

***

Kẹo bước vào nhà, tiếng võng đong đưa, tiếng ho khục khặc. Mái tóc ông thợ may đã bạc trắng. Gương mặt in hằn chỉ dấu thời gian. Duy chỉ có đôi mắt ông là không thay đổi. Ánh nhìn vẫn chan chứa yêu thương. Ông ngó Kẹo. Kẹo nhìn ông. Bất giác Kẹo quỳ xuống. Mở hộp đồ nghề của mình ra. Ông xua tay lia lịa. Mấy nay chắc trúng nắng trúng mưa nên sau mùa Tết cứ bệnh lặt vặt chứ đâu có gì. Mặc ông xua tay, Kẹo vẫn để ống nghe vào ngực ông.

Ngày đó Kẹo chứng kiến mẹ mình ra đi mà đôi bàn tay cảm thấy bất lực. Kẹo hứa với lòng, mình phải thành bác sĩ. Phải chữa trị cho những người mình yêu thương, phải làm cái gì đó cho Chợ Chùa, cho Minh Long, và cả cho ông. Sáu năm học, thêm bốn năm để thực tập và lấy chứng chỉ hành nghề. Tròn mười năm, Kẹo mới tự tin về. Nghe lồng ngực ông đập những nhịp đập rộn ràng, có lẽ ông mừng. Đôi mắt ông lại đỏ hoe. Đôi mắt của Kẹo cũng đỏ hoe. Đời con người ta có bao lần mười năm để chạm vào những ký ức? Hay để thấy yêu thương luôn chảy tràn lên thân phận chính mình.

ẹo ngồi xuống, cạnh bên võng. Kẹo hỏi ông liệu Kẹo muốn về luôn với Chợ Chùa được không? Lấy khoảng sân nhỏ trước nhà làm một cái phòng khám cho người nghèo ở Chợ Chùa. Kẹo muốn xây ngôi nhà nhỏ trên lưng chừng núi. Sáng sẽ xuống Chợ Chùa khám bệnh. Chiều lại về nơi ăm ắp kỷ niệm ngày bé với mẹ. Con người ta có nhiều chốn để đi, nhưng chỉ có một nơi là quê. Nhà cũng từ quê mà mình xây lên. Đơn giản vậy đó, nhưng phải đi thêm mười năm qua thì Kẹo mới hiểu thấu.

Giờ ngồi bên ông, Kẹo thấy chí ít, đời này vẫn còn một người để lo lắng. Dẫu ngoài kia thiên hạ gọi ông là ba hờ của Kẹo. Nhưng với Kẹo, tự bao giờ lòng mình đã gọi ông bằng ba rồi. Chỉ có điều Kẹo phải chờ, chờ đôi tay mình có thể chữa bệnh, có thể cứu người thì Kẹo mới dám tỏ bày.

Trong loáng thoáng gió, có tiếng gọi ba ơi! Hình như khoảnh khắc này mới là mùa xuân mà ông thợ may đợi chờ bao nhiêu năm qua. Dẫu mùa xuân này có muộn màng, thì vẫn cứ là xuân. Xuân trắng theo tấm áo mà Kẹo mang ra khoe cùng ông. Nụ cười của ông trắng. Đất trời buổi đó cũng trắng. Trắng như màu tinh khôi của lòng người biết tìm về nẻo sống yêu thương.

TỐNG PHƯỚC BẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

Xuất bản lúc: 11:09, 22/02/2025

Ý kiến bạn đọc


.