Tác giả - Tác phẩm: Hương sắc vườn xuân 

08:59, 09/02/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Hương sắc vườn xuân” là tập thơ đầu tay của Chi hội Minh Triết thơ Đường Thiên Ấn niêm hà Quảng Ngãi thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa Minh Triết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024. Qua những vần thơ, chúng ta bắt gặp một vườn xuân đa sắc màu, rộn rã thanh âm cuộc sống. 

Tập thơ “Hương sắc vườn xuân” gồm có 90 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật và 44 bài thơ xướng - họa của 32 tác giả. Các tác giả đã hướng cảm xúc đến đề tài thiên nhiên, quê hương, đất nước, gia đình, tình cảm bạn bè... Qua đó, tạo nên một vườn xuân đa sắc màu, rộn rã thanh âm cuộc sống. Mỗi đề tài được các tác giả quan sát một cách bao quát nhất, nghiền ngẫm một cách sâu sắc, thấu đáo nhất với cảm xúc rất riêng.

Tác giả Song Toàn - Phạm Ngọc Cư đã gợi lên trong lòng bạn đọc những cảm xúc ấm áp và tình cảm chân thành trong dịp tết Nguyên tiêu. “Trăng rằm chiếu rọi quá thương yêu/ Đến với xuân nay thật diễm kiều/ Bạn hữu đàn ca bài chúc Tết/ Thi huynh ngâm vịnh khúc Nguyên tiêu/ Sông Trà nước uốn khi trời sáng/ Núi Ấn chuông ngân mỗi buổi chiều/ Bến hẹn hàng năm vui lắm đấy/ Chia tay lưu luyến nhớ nhau nhiều” (Đêm Nguyên tiêu). Bài thơ không chỉ miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên trong dịp tết Nguyên tiêu mà còn truyền tải sự quý giá của tình bạn, sự hòa quyện giữa con người và cảnh vật, và những cảm xúc chân thành trong những buổi gặp mặt đầy ý nghĩa.

Tác giả Đỗ Hữu Huyến đã miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân một cách tinh tế và thanh thoát. Mỗi câu thơ như một bức tranh sống động, mang đến cảm giác hài hòa và an lành. “Nụ hoa mai trắng điểm trên cành/ Quyến rũ tơ trời dệt mỏng manh/ Đen trước trắng sau đường phúc hậu/ Đầy trên đủ dưới nét đầy vành/ Mượt mà cây cỏ tô màu nước/ Nhô nhấp núi đồi họa bức tranh/ Bướm lượn chim ca cùng điệu nhịp/ Đợi chờ xuân đến rộn năm canh” (Xuân về). Hình ảnh cây cỏ, núi đồi và các loài chim... hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sinh động, khiến người đọc cảm nhận được niềm vui và sự tươi mới của thiên nhiên trong mùa xuân.

Tác giả Nhân Ảnh miêu tả mùa xuân gắn liền với sự tri ân đối với những thầy cô đã dạy dỗ mình trong quá trình học tập. “Cúi đầu tưởng nhớ thầy cô/ Nâng đỡ bảo ban tự bé thơ/ Vững gốc - tươi cành- trĩu quả/ Bền gan - thỏa nguyện - tròn mơ/ Gắng qua thử thách bao ngang trái/ Quyết vượt gian nan những bất ngờ/ Mừng đón lộc chồi tươi sắc thắm/ Thuyền vui lái vững sang bờ” (Tưởng nhớ thầy cô). Bài thơ không chỉ là một lời tri ân đối với công lao của thầy cô mà còn là một sự ghi nhận về những đóng góp, sự hy sinh và công sức của thầy cô trong việc giáo dục và dẫn dắt thế hệ trẻ.

Tác giả Nguyễn Mậu Công mang đến cho bạn đọc một cảm nhận sâu lắng về cuộc sống tuổi già. “Tuổi bảy mươi còn đọng chút hương/ Vần thơ nhạc họa khúc vô thường/ Sáng ra nhấm nháp li trà quý/ Tối lại khề khà cốc rượu thương/ Thi hữu chung hòa chung chí hướng/ Bạn tình hợp nhất hợp đồng phương/ Vào xuân nắng ấm thơm nồng Tết/ Ngát đượm men đời đẹp ánh dương” (Đẹp ánh dương). Qua những câu thơ, tác giả Nguyễn Mậu Công đã thể hiện sự tĩnh tại và thanh thản của tuổi già, cùng với những giá trị và niềm vui giản dị trong cuộc sống thường nhật.

Tác giả Trần Hữu Sơn thể hiện tình cảm sâu sắc của mình đối với TP.Huế lúc xuân về: “Dừng chân thưởng ngoạn cảnh nên thơ/ Huế đẹp xuân gieo tận bến bờ/ Đại Nội uy nghi dòng sử chảy/ Hương Giang lặng lẽ mái thuyền mơ/ Tràng Tiền mấy dạo trăng tròn khuyết/ Núi Ngự bao năm đất tỏ mờ/ Vĩ Dạ còn vương hồn Mặc Tử/ Người về khó gỡ gút duyên tơ” (Huế thương). Bài thơ không chỉ là một bức tranh đẹp về Huế mà còn là một sự lưu luyến và là cảm xúc sâu sắc của tác giả đối với những giá trị văn hóa và lịch sử của thành phố cổ kính này.

 

Tác giả Đỗ Minh Tâm thể hiện những nỗi niềm riêng của mình về quê hương bằng giọng thơ sâu lắng: “Lòng sông, giếng nước tự thuở nào/ Trăng non ngả bóng áng mây xao/ Tâm tư sớm tối vui vô kể/ Kỷ niệm vơi đầy đẹp biết bao/ Phảng phất lúa đòng hương ngan ngát/ Thân thương tình bút ý nao nao/ Luyến lưu cố quận người trông đợi/ Một gánh hồn quê mãi ngọt ngào” (Gánh hồn quê). 

Và còn rất nhiều tác giả như Nguyễn Đình Oanh, Võ Văn Thuần, Mạc Trường Thiên, Phạm Văn Thành, Trương Quang Văn... đã mang đến cho bạn đọc cảm xúc dạt dào, sâu lắng, góp thêm cái hay, cái đẹp, những điều thú vị cho tập thơ "Hương sắc vườn xuân". Tập thơ đầu tay của Chi hội Minh Triết Thiên Ấn niêm hà, Quảng Ngãi đã khắc họa mùa xuân qua những hình ảnh phong phú và đa dạng, từ vẻ đẹp của thiên nhiên đến tình cảm chân thành với quê hương, bạn bè và thầy trò. Mùa xuân trong tập thơ không chỉ là thời điểm của sự đổi mới và hy vọng mà còn là cơ hội để gắn kết và tri ân những mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống. Những hình ảnh và cảm xúc được thể hiện trong tập thơ tạo nên một bức tranh toàn cảnh về mùa xuân, đầy màu sắc và ý nghĩa.

PHẠM VĂN HOANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:59, 09/02/2025

Ý kiến bạn đọc


.