(Báo Quảng Ngãi)- Đam mê sáng tác từ sớm, Hà Hương Sơn (37 tuổi), ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) và Nguyễn Nhật Thanh (21 tuổi), ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ), được xem là hai cây bút tài năng của Quảng Ngãi trong lĩnh vực văn học.
Năm 2024, Nguyễn Nhật Thanh và Hà Hương Sơn đã được kết nạp vào Hội VH - NT tỉnh. Hiện tại, Nguyễn Nhật Thanh là hội viên trẻ nhất của Hội.
Cuộc hành hương của giấc mơ
Những ngày chớm xuân, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng Hà Hương Sơn về nhiều điều thú vị của văn chương. Anh Sơn chia sẻ, hành trình văn chương là một hành trình tự thân, mỗi người tự biết mình nên đi theo con đường nào để đáp ứng nhu cầu nội tại của chính mình. Văn chương không bó hẹp trong một vùng sinh quyển nào cả, không một chủ đề duy nhất nào. Văn chương là vô biên, cái gì cuộc sống có thì đều có thể “chế tác” thành văn chương. Vậy nên, với những ai đam mê văn chương, điều quan trọng nhất là biết mình muốn gì, muốn kiến lập điều gì trong thế giới văn chương.
Hà Hương Sơn (bên trái) và người thầy của mình. |
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác văn học thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, anh Sơn chọn cho mình công việc là viết văn tự do. Đến thời điểm này, chàng trai quê Bình Sơn đã sáng tác hàng trăm bài thơ và hàng chục truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí. Nhưng dấu ấn lớn nhất phải kể đến cuốn tiểu thuyết “15 năm” kể về hành trình không từ bỏ đam mê và ước mơ văn chương của nhân vật Tỉnh. Tác phẩm như một dạng thức tự truyện, tác giả tự kể chuyện mình, về hành trình 15 năm kiên trì với ước mơ, đam mê. Điều quan trọng mà tác phẩm gửi gắm là làm thế nào để được sống là chính mình và hạnh phúc với chọn lựa đó. Giống như cuộc đời mình, Hà Hương Sơn đã viết trong cuốn tiểu thuyết “15 năm” rằng: “Sự hy vọng sẽ mang lại niềm tin yêu cuộc sống, còn cơn tuyệt vọng, giống như liều thuốc độc, làm mục nát bao nhiêu chồi non đang hé. Cố gắng, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, hãy biết tin và biết yêu. Giống như cây phi lao cao to kia, dẫu đất cát bạc màu, cằn cỗi, không có một dòng dinh dưỡng, nhưng cây vẫn vươn mình lên, cố tự tạo nên những dòng dinh dưỡng cho mình, để sống, để hiến dâng cho đời cả thân cây, cả bóng mát…”.
Hay như tập truyện ngắn “Dòng sông mùa giông bão” nói về hành trình vượt qua giông bão của những người trẻ. Mỗi người có mỗi câu chuyện khác nhau, nhưng gần như ai cũng có những khoảng chênh vênh trong cuộc sống... Còn hai tập thơ: “Cuộc hành hương của giấc mơ”, “Những phức cảm đồng tâm” gồm những tác phẩm thơ được đăng tải trên những tờ báo và tạp chí văn nghệ uy tín. Cả hai tập thơ đều là sự thể hiện một lối viết mơ hồ và hướng đến tính phổ quát của sự hiện hữu. Giống như một người đi tìm ý nghĩa sinh tồn, mà mỗi bài thơ là một con đường. Anh Sơn bảo, tôi đặt tựa đề tập thơ là “Cuộc hành hương của giấc mơ”, với suy nghĩ rằng, mỗi người, trong cuộc đời này, đều có một cuộc hành hương riêng, về nơi đất thánh của riêng mình. Đó là hành trình của khát vọng, của đam mê, của niềm tin.
“Người viết trẻ hiện nay, nếu thực sự đam mê và khao khát viết thì mới có thể kiên định với ước mơ của chính mình. Văn học trẻ vẫn còn nhiều lắm những chồi non đang lớn, chứ không hề ít ỏi như nhiều người vẫn nghĩ”, Hà Hương Sơn trải lòng.
“Cõi văn chương” của Nguyễn Nhật Thanh
Cây bút trẻ Nguyễn Nhật Thanh đang là sinh viên năm 4, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Tranh thủ những ngày nghỉ Tết, chàng sinh viên có dịp quây quần bên gia đình, bên đồng ruộng quê hương với bao kỷ niệm tuổi thơ. Khuôn mặt thư sinh, nụ cười tỏa nắng là những ấn tượng khi tôi lần đầu tiếp chuyện với cây bút mới ngoài 20 tuổi.
Cây bút trẻ Nguyễn Nhật Thanh. |
Còn khá trẻ, nhưng Thanh đã ghi dấu ấn với nhiều bài viết sâu sắc trên các báo, tạp chí trong nước. Thanh chia sẻ, văn chương đến với bản thân tôi như một cái duyên và cũng hết sức tự nhiên. Từ nhỏ, tôi đã đam mê đọc sách, với những tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... Năm học lớp 9, tôi bắt đầu tập làm thơ. Khi ấy, tôi được thầy giáo dạy Ngữ văn động viên và góp ý những vần thơ đầu tiên. Nhưng sau đó, tôi nhận ra thế mạnh của mình là viết văn xuôi và đã có những bước tiến đầu tiên trong chặng đường sáng tác của mình.
Những cây bút giàu nội lực Tiến sĩ, nhà lý luận, phê bình văn học Mai Bá Ấn nhìn nhận, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Hà Hương Sơn đã xuất bản cả tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Chứng tỏ đây là một cây bút có nội lực và nhiều khát vọng. Văn xuôi chưa thật sự tạo nên tiếng vang, nhưng thơ của Sơn là những giấc mơ hành hương, những phức cảm đa tầng thể hiện bằng một tư duy siêu thực, hiện đại. |
Năm học lớp 12, Thanh có tạp bút đầu tiên được đăng trên Tạp chí Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, nội dung viết về món canh lưỡi long. Tiếp đó, Thanh được Báo Quảng Ngãi đăng một phóng sự về nhà thơ Trần Cao Duyên và một bài viết về Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn. Đây là động lực để cây bút trẻ tìm tòi đề tài để sáng tác. Đến nay, Thanh đã có nhiều tác phẩm đăng báo, tạp chí như: Các truyện ngắn “Giấc mơ của cậu quý tử”, “Giá như”, “Nửa năm”; tản văn “Thương hoài tiếng ru của ngoại”, “Tản mạn mưa”, “Trong cõi lang thang”, “Cải lương... thương quá đỗi!”...
Chia sẻ về hành trình gắn bó với văn chương, Thanh đúc kết, cứ xem văn đàn là sân chơi và viết với niềm đam mê mãnh liệt, không mong cầu thành tựu gì cả. Mỗi người hãy để văn chương nói hộ những bức bối, trăn trở, niềm vui, nỗi buồn, đó chẳng phải là điều đáng làm hay sao?
Bài, ảnh: HÀN VŨ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: