Truyện ngắn: Tết là để trở về

06:38, 27/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hà Nội những ngày cuối năm lạnh buốt. Dù đã nhiều năm sống ở đây, nhưng cái lạnh thấu thịt, thấu da của miền Bắc, Long vẫn không sao quen được. Công ty anh từ miền Nam ra mở chi nhánh tại đây. Trừ những người sống tại Hà Nội, hầu như mọi người ở xa đều đã về quê ăn Tết. Long còn vướng vài công việc chưa hoàn thành nên còn ráng làm đến hôm nay.

Ngồi một mình trong phòng làm việc, anh thấy nhớ quê đến nao lòng. Quê anh là một làng nhỏ bên dòng sông Trà Khúc, nơi có bờ tre xanh rì rào và những cánh đồng lúa. Anh vẫn nhớ, những ngày thơ bé, cùng lũ bạn chạy chân trần trên con đường đất, háo hức đón Tết với bánh nổ, bánh in và những món ăn do mẹ nấu... Từ khi vào TP.Hồ Chí Minh học đại học, rồi đi làm, Long ít về quê hơn.
Tết năm nay, Long định không về vì công việc bận rộn. Đám bạn ngày nhỏ mỗi người mỗi nơi, làng quê cũng không còn nhộn nhịp như trước. Long nghĩ bụng: "Về quê chẳng biết làm gì ngoài ăn rồi ngủ, rồi mất công khi đi làm lại phải giảm cân cả tháng mới lấy lại được vóc dáng”. Nhưng người yêu của anh Belinda, một cô gái đến từ nước Anh xa xôi, sau bảy năm quen nhau có ý định được một lần về quê anh, thăm ba mẹ anh. Chuyện anh không về quê cũng một phần tại ba của anh, không chấp nhận người yêu của con trai độc nhất của mình là người nước ngoài. Ba của anh bảo:
- Nếu con không từ bỏ ý định lấy cô gái nước ngoài ấy thì đừng vác mặt về.

Anh thuyết phục suốt gần bảy năm nay, giờ thấy bố xuôi xuôi, anh định về để xin chuẩn bị cưới hỏi nhưng vẫn còn sợ bố giận nên mới lưng chừng như thế. Nghĩ tới chuyện này anh nhớ mẹ, mẹ anh tuy học không nhiều, quan hệ không rộng rãi như bố anh nhưng quan niệm của bà thật hiện đại. Khi anh hỏi:
- Mẹ ơi! Con lấy vợ người nước ngoài được không?
Bà trả lời ngay:
 - Chỉ cần các con yêu nhau, thương nhau, tôn trọng nhau là được.
May mà anh có mẹ, bà thay anh thuyết phục nên bố anh cũng đã dần đồng ý. Nhớ tới mẹ, lòng anh lại quặn thắt. Anh thương mẹ biết bao nhiêu. Suốt mấy chục năm nay, một mình mẹ lo toan nhà cửa, hai bên nội ngoại chu toàn, nuôi con, dạy cháu nên người, nhưng mẹ chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng. Bà say xe, chỉ ngửi thấy mùi xăng là ói tới xỉu chứ chưa nói đến chuyện bước được chân lên xe. Bố giận Long không thèm ra thăm anh, cấm anh về nhà, còn mẹ thì chỉ thể hiện nỗi nhớ thương con qua chiếc điện thoại đập đá Long để lại. Mẹ anh thích chiếc điện thoại cũ ấy, nên dù anh mua điện thoại mới, xịn xò đến đâu mẹ anh cũng từ chối không dùng. Mới hồi tối đây, mẹ anh lại gọi:
- Đã bảy năm con không về nhà ăn Tết với mẹ rồi. Con bận thì mẹ hiểu, nhưng Tết mà nhà mình vắng con, mẹ buồn lắm.

Lời nói của mẹ cứ vang lên trong đầu Long khi anh lặng lẽ thu dọn bàn làm việc chiều 28 tháng Chạp. Chuyến xe cuối cùng về quê xuất phát vào sáng mai. Anh chần chừ, tay lướt qua chiếc điện thoại, phân vân giữa việc đặt vé hay ở lại Hà Nội.
Sáng 29 tháng Chạp, Long đứng giữa bến xe đông nghịt, xách chiếc vali nhỏ với vài bộ quần áo và ít đặc sản của Hà Nội. Anh quyết định trở về sau nhiều lần tự vấn rằng mình thực sự muốn gì. Chuyến xe lăn bánh, đưa anh rời xa phố thị ồn ào để trở về với con đường làng quen thuộc.
Làng quê anh vẫn như xưa, bình yên và giản dị, chỉ khác là giờ nhà ngói, nhà cao tầng nhiều hơn. Dọc hai bên con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào làng, những cây mai, cây quất của nhà ai đang nở rộ. Sát Tết nên cúc và lay ơn đã được nhổ hết trong các vườn nhà, chỉ còn mỗi hàng vài cây chắc là để cho gia chủ dùng trong ba ngày Tết. Làng xóm như được phủ một màu sắc tươi mới,  không khí Tết tràn ngập muôn nơi, khác hẳn với bầu không khí trầm lắng mà Long hình dung về quê nhà.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Mẹ anh đã đứng chờ sẵn ở cổng, dáng người nhỏ bé trong chiếc áo len cũ, mắt ánh lên niềm vui khi thấy con trai.
- Về rồi à con? Belinda có về cùng con không? 
Anh cúi xuống ôm mẹ, hơi ấm từ vòng tay bà khiến lòng anh dịu lại. Từ lâu rồi, Long mới cảm nhận được sự yên bình đến thế.
- Chưa mẹ ạ! Con về xem ý bố thế nào rồi con mới cho cô ấy về.
- Bố mày chịu rồi, bảo nó an tâm về, nhà mình cũng vừa sửa xong. Sang năm, hợp tuổi là con cưới vợ được rồi.
Tối hôm đó, cả gia đình quây quần bên nồi bánh tét nghi ngút khói. Bố anh cười kể:
- Nhớ ngày xưa, thằng Long là đứa nghịch nhất. Cứ mỗi lần nấu bánh là lại lén gói một cây nhỏ cùng hai cái bánh hộc rồi đợi khi bánh chín, lấy đem nhúng vào nước lạnh để ăn trước. Bây giờ lớn rồi, chắc không dám làm vậy nữa đâu nhỉ?
Mẹ Long cười:
- Bí mật, lát rồi ông sẽ biết.
Bố Long cười khà khà:
- Vậy là tôi đoán ra rồi, dù lớn nhưng nó vẫn như xưa, như tôi lúc trẻ.

Long bật cười, ký ức về những cái Tết ngày xưa ùa về. Khi đó, anh và lũ bạn trong làng đua nhau gói bánh, thi xem ai gói đẹp nhất. Tối đến, bọn trẻ tụ tập quanh nồi bánh, vừa canh vừa kể chuyện ma. Cảm giác ấy, niềm vui ấy, sao giờ đây xa xỉ đến thế.
Long nhìn sang mẹ, thấy bà mỉm cười hiền hòa, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc. Anh chợt nhận ra, có lẽ với mẹ, niềm vui lớn nhất chính là được thấy gia đình sum họp. Bánh tét chín, cũng đến lúc giao thừa. Mâm cơm cúng đầu năm, có hương thơm của bánh tét. Nhìn dĩa bánh tét, anh thầm khâm phục tài gói bánh của mẹ. Dù bao nhiêu năm trôi qua, tay mẹ đã run, mắt đã mờ nhưng gói bánh cây nào cũng như cây nấy, thẳng tắp và nhân nằm giữa bánh tròn vành vạnh. Dọn dẹp xong, mẹ lại cùng anh đi xin lộc. Bà bảo:
 - Năm nay, mẹ con mình sang bác Hai. Bác ấy con cháu đông đúc mà lại ngoan ngoãn, học giỏi. Mẹ con mình sang xin tí lộc nhà bác để hưởng chút may mắn ấy con ạ!

Đi cùng mẹ, Long suy ngẫm về những phong tục văn hóa đẹp của quê hương. Mọi người luôn ước vọng ấm no, hạnh phúc, con cháu đủ đầy. Mẹ anh cũng vậy, bà mong anh có vợ, có con, gia đình ấm no, hạnh phúc. Sáng mùng Một, cả làng như bừng tỉnh dưới ánh mặt trời xuân ấm áp. Cả nhà đều mặc quần áo mới, theo bố mẹ đi viếng mộ ông bà và chúc Tết bà con trong làng. Tới nhà nào, Long cũng được chào đón nồng nhiệt. Ai cũng hỏi thăm anh về công việc và cuộc sống của anh ở Hà Nội. Bác Minh, hàng xóm vỗ vai anh, cười:
- Nhớ ngày nào mày còn tí tẹo, hay chạy sang nhà bà xin bánh kẹo vào sáng mùng Một Tết mà nay đã cao hơn cả bố mày rồi. Lo cưới vợ đi con, mẹ mày trông lắm đó.

Long gãi đầu cười trừ, “dạ” cho phải phép. Những câu chuyện từ bà con, những lời chúc tụng giản dị khiến anh cảm thấy mình như trở về tuổi thơ.
Chiều hôm đó, Long gặp lại bạn cũ. An lớp trưởng ghé nhà chở Long đi họp lớp, nói:
- Lâu mày không về, không biết, chứ bọn tao, dù mỗi đứa một nơi, nhưng mùng Bốn Tết luôn họp mặt, ngồi bên nhau chia sẻ những buồn, vui trong một năm qua. Bọn tao thành lập quỹ, ngoài tài trợ cho học sinh nghèo học giỏi ở trường cũ, còn tạo vốn cho bạn bè ở quê khi khó khăn mượn lập nghiệp.

 Tối mùng Năm, Long ngồi trên chiếc chõng tre trước sân nhà, nhìn bầu trời đêm đầy sao. Anh nhớ đôi mắt xanh biếc của người yêu, anh vừa buồn vì sắp phải chia tay bố mẹ nhưng cũng nôn nao mong gặp cô để báo tin vui. Anh là người sống trầm lặng, không thích chia sẻ nhiều qua điện thoại, anh muốn chính miệng anh thông báo cho cô tờ giấy bố mẹ đi xem ngày đính hôn. Không biết cô sẽ vui và hạnh phúc như thế nào khi đã được bố chấp nhận.

Trong nhà, mẹ và em gái anh đang lúi húi chuẩn bị những món ăn cho bữa cơm chia tay. Ăn tối xong, mẹ anh như lúc anh bắt đầu xa nhà đi học lại giành việc gói đồ đạc cho Long và quà bố mẹ gửi cho Belinda, bà vừa vuốt từng nếp gấp của quần áo vừa nói:
- Long này, công việc dù bận đến thế nào cũng nhớ về ăn Tết nha con! Tết là ngày đoàn viên, gia đình quan trọng nhất là được ở bên nhau, nhất là những ngày giỗ, Tết con à!
Anh không nói gì, chỉ gật đầu. Anh chợt nhận ra rằng Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi hay ăn uống, mà còn là khoảng thời gian để trở về, để gắn kết với những giá trị thân thuộc.

Những ngày Tết ở quê nhà đã cho Long cảm giác yên bình mà anh từng đánh mất trong nhịp sống hối hả nơi đô thị. Anh tự nhủ rằng, dù bận rộn đến đâu, anh cũng sẽ không bao giờ để mất cái cảm giác ấm áp của gia đình, của quê hương - nơi luôn dang rộng vòng tay chờ đón anh mỗi khi anh trở về.

Khi chuyến xe rời khỏi làng, Long quay đầu nhìn lại, thấy dáng mẹ đứng lặng lẽ trước cổng. Anh vẫy tay, lòng thầm nói với mẹ: “Mẹ ơi, con đã hiểu Tết là để trở về. Con sẽ không bao giờ bỏ lỡ một cái Tết nào bên mẹ nữa đâu mẹ ơi”.

DƯƠNG THỊ THANH HƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:38, 27/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.