Truyện ngắn: Mai vàng lại nở

21:05, 18/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lúc gia đình tôi từ Bắc vào lại trong Nam, năm nào chú Tư cũng lặng lẽ mang tới nhà một cây mai vàng. Chú ít nói nhưng giọng hát rất hay. Lần nào chú đàn hát, nội tôi cũng rơm rớm nước mắt. Chả phải nội hoài thương thời con gái hay người đàn ông nào đó, mà xúc động vì chính chú Tư: “Cái thằng ngày trẻ ăn chung niêu cơm với ba anh, học chung một trường nhạc mà sao cứ dạt về tận quê làm gì?”

Nghe thế, chú Tư lần nào cũng cười, chú bảo:
-Số con nó mê muội cây mai đó má, cứ phải dạt về tận quê mà tỉa cành, chăm sóc, đợi mùa xuân hoa trổ bông mới yên lòng...
Cứ ngỡ chú Tư cứ thế mà già đi như một lão nông thứ thiệt thì đùng cái, một cô tên Mai xuất hiện. Mai bằng da, bằng thịt, có đôi mắt đượm buồn, có môi mím chặt đầy ẩn ức. Cô gặp ba tôi hỏi thăm chú Tư, hình như cả thành phố này mỗi ba tôi biết chú, cận Tết năm nào chú lên bán mai cũng chỉ ghé nhà tôi. Giờ ba tôi mới sực nhớ, cả nhà hoảng hốt. Năm rồi có mai vàng không? Có, vậy sao còn hỏi? Nhưng không phải mai của chú Tư, cây mai chú mang cho nhỏ thó à, cây này người quen của ba tặng? Vậy là năm nay chú mất mùa mai? Một mớ câu hỏi như thế không ai trả lời, chỉ biết cô Mai tất cả chạy đi, một giọt lệ đọng trên những nếp nhăn tuổi trung niên...

***

Ngày ấy, tóc tôi còn vàng hoe sau những ngày dãi nắng đồng chạy theo đàn vịt quê ngoại. Một sáng, hai cha con tôi theo chiếc xuồng máy chạy bạt gió, rẽ sóng cập vô quê chú Tư. Tôi mệt lả, sao quê chú xa quá trời, tận cùng trời, cuối đất rồi ư, sắp Tết, thuyền nào gặp trên kênh cũng đầy ắp hàng hóa. Người người háo hức chở mùa xuân về nhà...
Hai cha con vừa vào đến ngõ, tôi đã bị ngợp trước vườn mai vàng của chú Tư. Năm nay thời tiết không thuận, mai nở sớm, mặt chú hơi rầu rầu nhưng đúng là dịp để tôi được thưởng lãm. Chú pha trà ngon, loại trà Bắc mà ba tôi ưa thích. Mặc cho những cánh trà bung nở, nước xanh ngon, ba tôi vẫn mải mê nâng máy ảnh chụp bông mai các góc. Ngày đó chụp phim, chẳng biết những tấm hình sẽ ra sao, tôi cứ sà vào hoa hít hà, đắm mình trong sắc vàng.
Má tôi mở thêm một cửa hàng nhỏ bán tranh thêu và ảnh Tết. Hàng hóa ế ẩm, tôi vừa trông quán vừa đọc hết nửa cuốn sách, bỗng có người hỏi mua bức ảnh. Thì ra hôm nọ ba tôi mang tấm ảnh mai vàng lồng vào khung kính. Nay dọn hàng vội, tôi mang nhầm ra đấy lại hóa hên. Cầm năm trăm ngàn bán bức ảnh, tôi háo hức đợi để khoe với ba. Nào ngờ, ông cáu nhặng lên bắt tôi tìm lại người mua. Thiệt may, ông khách đó có tặng tôi cái danh thiếp để giới thiệu cho quán cà phê mới mở. Ba tôi tức tốc lao xe đi trong đêm, nửa tiếng sau đem bức ảnh về và nói một câu chắc nịch.
- Nghệ thuật là sinh mệnh người ta chứ bộ, bán sao được.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Sau khi bức ảnh được giải quảng bá du lịch thành phố, tôi thấy nhiều lần nó được sao, chụp bày bán cả trên các tuyến đường gần trường học của tôi. Họ nói hoa mai trong bức ảnh đẹp. Tôi chỉ nhớ hôm đó giữa trưa nắng, chú Tư đầu trần, chân đất hết nâng góc này lại chuyển hướng kia cốt làm sao cho ba tôi có góc chụp đẹp.

Năm tháng qua đi, đầu tháng Chạp, một hôm khi tôi quay như chong chóng hết việc cơ quan đến mua sắm dọn dẹp nhà cửa, bỗng con cún Bông trên phòng khách sủa nhặng lên. Tôi thấy lạ ngó ra, bắt gặp chú Tư đang cố làm thân với nó. Chú hôm nay nhìn nhẹ nhàng hơn. Hình như mất đi vườn mai chú vất vả mà cũng nhẹ lòng hơn. Bao năm như con mọn, chăm sóc vườn mai, chú lấn bấn mãi chưa dứt ra được. Biết đâu đằng sau mất mát lại mở ra cơ hội cho người đàn ông đã ngoại ngũ tuần.

- Chú vào tắm rửa, ăn cơm rồi mai tính đi đâu thì tính…
- Thôi, bày đặt. Chú đã thuê cái nhà trọ cuối hẻm, ăn tạm tô mì. Cháu có chiếc xe cà tàng nào cho chú mượn đi tạm...
Tôi chỉ ngay chiếc xe SH mới cóng bảo:
- Chú đi xe này được chớ, cứ lấy xe cháu mà đi, đàn ông lên phố phải đi xe này bạn gái mới thích.
- Ủa, ý chú mượn con mấy bữa chứ bộ.
Nói là làm, mấy bữa chú đi miết thật, chẳng biết chú đi làm gì, có kiếm được chút đỉnh tiêu Tết không? Tôi tò mò rồi quyết định “đánh úp” chú một bữa xem sao?
Tôi tự lái xe tìm đến nhà chú Tư. Nhà chú ở cuối xóm, cỏ mọc gần đến gối, hoang sơ như thuở người đi mở đất. Ủa, chú Tư đi đâu, kiếm mãi mới thấy có bà cụ láng giềng. Bà cụ kể: “Nước dâng lên đột ngột, mai chết hết trơn hết trọi cả. Nó lủi thủi bỏ nhà đi kiếm việc làm thuê. Tóc bạc rồi lại đi kiếm cơm qua bữa, đến cực”.

Tôi thấy lòng rầu rầu, cố trèo qua cánh cổng đã rệu rã vào đến sân ngắm căn nhà hoang tàn. Những chậu cây nằm phơi trong mưa nắng, những chiếc lá mục đã đọng lại đen úa, trên mặt sân cỏ mọc chờm lên kẽ gạch để len lấy thứ ánh sáng từ nền đất sình lầy. Bất giác trong lòng tôi trào lên một cảm giác thật khó tả. Cả những ngày nắng đẹp, cả tuổi thơ tôi và những bông hoa chỉ còn trong dĩ vãng. Tôi chụp lại hình ảnh và gửi luôn cho ba. Ba đọc tin, xem ảnh, nhưng im lặng, chẳng rõ ông đang nghĩ gì.

Bỗng phía sau lưng tôi, tiếng cánh cổng sắt hoen rỉ kêu cót két. Một âm thanh như mở toan cánh cửa đưa ký ức ùa về thực tại. Tôi chưa kịp thốt lên đã thấy chú Tư đứng trước mặt tôi, hốc hác gầy guộc và ngỡ ngàng. Chú không thể ngờ tôi lại xuống đây. Mặc chú nghĩ sao cũng được, tôi chạy ra xe, lấy từ thùng chiếc bán tải xuống chậu hoa mai đã chúm chím. Đó là chậu mai chú tặng năm trước nữa, như mọi khi nó sẽ chết dần chết mòn nhưng lần này tôi đã lên mạng học hỏi và bỏ ra không ít thời gian chăm sóc. Những bông hoa trở lại vườn xưa, chậu cây lại chạm mặt sân rêu phong ngày nào. Chú Tư như người cha xa lâu ngày nay mới thấy lại con mình nên sà đến, tay chú run run chạm vào cành hoa, miệng lắp bắp một câu gì không rõ. Tôi lặng ngắm chú mà mắt cay sè.

Thật ra ba ngày trước, tình cờ tôi gặp cô Mai khi đi xuống dãy trọ của công nhân để viết bài. Cô đã bán nhà để trả nợ cho đứa con làm ăn thua lỗ, số tiền còn lại cô dành để chữa bệnh. Những kỷ niệm đẹp đều được cô ghi trong cuốn nhật ký và đưa cho tôi đọc. Tôi đọc xong và biết chú Tư yêu cô, quyết tâm làm lụng để phụ giúp mà căn bệnh của cô không thuyên giảm. Có đợt cứ một tuần chú lại đón xe lên thăm cô, đưa cô qua bác sĩ, những hy vọng le lói như tia nắng cuối đường lợt lạt.

Điện thoại tôi vang lên tiếng chuông, ba gọi. Tôi chuẩn bị tinh thần cho một sự trách cứ gay gắt, nhưng thật bất ngờ chỉ nhận được câu hỏi:
- Con còn ở đó không? Ở yên đấy, đợi ba.
Chừng hai tiếng sau, chiếc xe 7 chỗ tiến vào sân. Ba tôi bước xuống, như mọi lần ông không rào đón nhiều, lấy từ túi xách ra một cọc tiền đặt vào tay chú Tư:
- Tiền của hoa mai, chừng ấy năm hoa mai vẫn nở trong phòng khách.
Chú Tư không nhận, chú vốn rất tự trọng. Ba tôi như thể đã đoán trước điều ấy, ông quay lại xe mở cửa. Từ trên xe, một người đàn bà bước xuống, đó là cô Mai. “Trời, hôm nay cô đẹp quá!” - tôi thốt lên.

- Thì bữa nay chú phải nhận để mà khôi phục lại. Tôi giao cô Mai cho chú, tính về đằng mẹ tôi, cô ấy là dì họ của con bé này. Mai kia làm mấy mâm, ra ủy ban nhân dân xã đăng ký giấy kết hôn, về ở cùng mà chăm sóc nhau. Muộn màng chi mấy hoa mai vẫn nở, phải hông con gái ba.
Ba vừa nói vừa xoa đầu tôi. Ôi chao ngoài ba mươi tuổi vẫn được ba vuốt ve thật sự hạnh phúc. Chú Tư, cô Mai và cả hoa mai hình như đều đang ánh lên niềm hạnh phúc trong nắng xuân.

BÙI VIỆT PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:05, 18/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.