(Báo Quảng Ngãi)- Tàu SE2 rời ga Sài Gòn lúc 19 giờ 20 phút. Trong khoang giường nằm có bốn người. Bốn người cùng điểm xuất phát, cùng đi về một hướng, họ khác nhau ở độ tuổi, ngành nghề. Một người tóc phiêu bồng, có chòm râu vẻ nghệ sĩ. Một người rất trẻ đang học đại học. Một người khoác áo nhà tu. Và cuối cùng là người lính phục viên.
Đèn đường, hàng phố vun vút giật lùi ra sau. Toa tàu lắc lư, tăng tốc. Người lính phục viên săm soi hai con búp bê tóc vàng, mắt xanh và nở nụ cười đắc ý. Anh chàng có vẻ nghệ sĩ gác tay lên trán bật dậy. Có lẽ anh bắt được tứ thơ lóe sáng trong đầu. Nhưng không, anh nhìn hai con búp bê rồi hỏi:
- Này anh bạn, có gì hấp dẫn trong đôi mắt con búp bê kia?
- Có chứ. Niềm vui ở đó, hạnh phúc và tình yêu ở đó. Hạnh phúc nhân đôi.
- Hạnh phúc nhân đôi? Anh chàng có vẻ nghệ sĩ hỏi.
- Đúng vậy. Điều đó làm anh ngạc nhiên sao?
Anh có vẻ nghệ sĩ nhăn trán ngó ra cửa sổ, bỗng quay lại hỏi:
- Hạnh phúc nhân đôi à? Anh có thể nói rõ hơn một chút được không?
- Trời ơi! Hèn chi người ta nói người làm thơ tâm hồn bay bổng. Chân đi dưới đất, hồn vía trên mây.
MH: VÕ VĂN |
Chàng có vẻ nghệ sĩ thầm nghĩ tình yêu và hạnh phúc vốn phức tạp. Một đời anh đuổi bắt, vẫn hoài hụt hẫng. Đôi khi anh thấy mình như loài chim bói cá trên “vũng nước cuộc đời”. Tình yêu là loài cá lượn lờ, thấy đó mà mất đó. Sao lại có kiểu hạnh phúc nhân đôi. Lạ nhỉ? Những ý nghĩ khiến anh thêm tò mò. Anh nói:
- Tôi nói thiệt với ông bạn, tôi quá nửa đời rồi, vẫn chưa có chút hạnh phúc vắt vai. Sao anh lại có nhân đôi? Anh thử nói một vài kinh nghiệm?
Người lính phục viên cười. Nụ cười thật hạnh phúc nói:
- Khi bước đi, anh hãy nhìn dưới chân mình. Ở đó, có cả gai góc và trăng sao. Cả bình yên và dông gió.
Bỗng nhà tu lên tiếng:
- Phải, đệ nói chí phải. Dưới bước chân nhân loại có cả thiên đường và địa ngục. Nhân loại sống là đang bước tới, bàn chân nhân loại bước qua bình minh và cả hoàng hôn. Mỗi bước đi qua, phía sau là quá khứ, phía trước là tương lai. Người ta hướng đến tương lai, và đôi khi cũng thích dòm về quá khứ. Bởi ở đó có cả khổ đau và hạnh phúc.
Anh chàng có vẻ nghệ sĩ vỗ trán, “rắc rối”. Chỉ có hạnh phúc thôi mà nghe quá ư phức tạp. Chàng sinh viên nãy giờ nằm im nghe các bậc đàn anh bàn luận. Bỗng ngồi dậy tham gia:
- Thưa các chú, các anh, ở trường, thầy con trong một lần giảng bài có trích dẫn câu nói của nhà văn Nam Cao “Hạnh phúc là tấm chăn hẹp, người này co, người kia sẽ hở”. Theo con, khổ đau, hạnh phúc không ở đâu xa, ở giữa con người.
Khoang tàu như đang chở các nhà hiền triết cổ đại di chuyển về miền đất thánh, không phải cùng nhau về quê ăn Tết. Bỗng có tiếng rao “Ai nước ngọt, cháo gà, cà phê không”? Giọng phụ nữ đẩy xe hàng rong, cắt ngang câu chuyện. Các nhà “hiền triết” im lặng. Tiếng rao kéo họ vượt qua thời cổ đại trở về hiện thực, tiến sát bát cháo gà.
- Nào! Mời quý ngài thưởng thức cháo gà. Cháo gà nóng hổi bay hơi. Tiếng người lính phục viên mời hớn hở.
Anh chàng có vẻ nghệ sĩ đang đói, được ăn, bỗng thấy mình hạnh phúc. Nhưng trong đầu anh cái hạnh phúc của người lính phục viên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vị thầy tu lặng lẽ, vén áo ra ngoài. Tàu vẫn chạy và thời gian vẫn trôi. Họ đã bước qua hoàng hôn khi tàu chuyển bánh. Tàu đang chở họ về phía bình minh, về phía tương lai. Tương lai là mùa xuân. Có tiếng cười con trẻ. Có hơi ấm tình quê. Có ruộng lúa, và dòng sông đang lên màu sắc mới. Từng sắc hoa rực rỡ lung linh trước gió xuân. Ngày mai, mỗi người xuống tàu. Đi về trên con đường quen thuộc của họ. Người chiến sĩ xong nhiệm vụ trở về với gia đình. Chàng sinh viên chắc chắn có người yêu đón đợi ở sân ga. Vị thầy tu về chốn thiền môn kinh kệ. Anh chàng có vẻ nghệ sĩ cũng dừng bước, anh đã đi những đâu, tìm kiếm cái gì, chỉ có mình anh biết.
Trên bước phiêu bồng, anh đã đến miền đất xa xôi ở phía trời Nam. Trời Nam mùa này gió chướng. Gió từ biển ngày đêm mải miết thổi qua thị trấn nhỏ ven bờ. Cái thị trấn chừng như người ta đã nhẵn mặt nhau. Buổi sáng, dưới bóng dừa nghiêng nghiêng, bên bờ cát, anh bắt chéo chân trên chiếc xe chờ khách. Những người khách đến và đi, lướt qua con đường quen thuộc như những suy tưởng lướt qua trong đầu anh, chẳng để lại gì. Bỗng dưng sáng nay anh nhận ra trong cái quen thuộc đó có chút dịu dàng. Đấy là con đường thẳng tắp ven bờ cát. Con đường dưới bóng dừa mơ màng êm đềm quá. Anh châm lửa nhả khói, lơ mơ nghĩ về một cái gì đó xa xôi. Anh nghĩ mình là một loài hoa mà giá trị nằm ngoài tầm ước vọng.
Bỗng có bàn tay vỗ nhẹ vào vai:
- Chở tôi đến vòng xoay trước chợ thị trấn.
- Ok anh! Nhưng anh cho bao nhiêu, từ đây đến đó là nửa xị.
- Cứ chở tôi đi, tiền nong không thành vấn đề. “Không thành vấn đề”, gặp khách sộp rồi. Lòng anh mừng rơn. Ông khách ngoài năm mươi, kính gọng vàng, cà vạt hẳn hoi nhưng hơi xộc xệch.
- Mời ông anh lên xe.
- Khoan đã, chờ tôi một chút. Ông khách rút gói ba số châm lửa, và đưa cho anh một điếu. Hộp quẹt không bén lửa. Anh khum tay che gió. Khói thuốc bay lên tan trong gió sớm. Bỗng như có niềm hân hoang, anh buộc miệng đọc: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
Người khách vẻ ngạc nhiên:
- Anh cũng biết thơ? Người khách hỏi.
- Thưa không. Câu thơ ấy là của ông già Nam bộ, của cụ Sơn Nam ấy mà.
- Anh cũng biết cụ Sơn Nam sao? Giọng nói người khách đầy vẻ ngạc nhiên.
- Dạ em cũng nghe lỏm anh em tha phương hay đọc trong quán cóc bên đường. Ở đó, anh em kiếm sống xa quê, hay đọc thơ như vỗ về an ủi chính mình.
- Quê bạn ở đâu?
- Tận miền Trung, xa lắm ông anh.
Câu chuyện hai người, đứt gãy vì gió bạt. Nhưng trong anh câu chuyện quá khứ lại nối tiếp hiện về. Ở cái thị trấn nhỏ này, những năm tháng tha phương, anh đã trải qua mấy mùa gió chướng. Có lần bước chân phiêu bạt vấp vào cái lúm đồng tiền người đàn bà ở góc đường, gần siêu thị. Buổi sáng anh bước vào:
- Cho ly đen bà chủ quán ơi! Anh móc gói thuốc để trên bàn, vuốt lại mớ tóc rối bời vì gió.
- Anh nên gọi “em chủ quán ơi” cho nó nhẹ nhàng.
Người đàn bà nhoẻn cười hất mái tóc phía sau. Chiếc lá điệp vàng xoay xoay rơi xuống mặt bàn. Chiếc lá nằm yên, lòng anh lại quay tròn. Anh nhấp ngụm cà phê đen nóng, lòng miên man những ý nghĩ xa xôi. Cô chủ quán sau quầy nghiêng vai cũng lia ánh mắt xa xôi.
- Tính tiền em chủ quán ơi. Nghe nhẹ chưa em?
- Cám ơn anh, cũng bắt đầu nhẹ nhẹ rồi.
Chỉ có vậy thôi, mà lòng anh lại nặng. Anh biết giữa muôn trùng đất khách, dưới bóng điệp vàng này có bao nhiêu chiếc lá xoay tròn trong cái lúm đồng tiền ấy. Anh chỉ là chiếc lá nhỏ nhoi rơi hoài mà chưa chạm được lòng nhau.
Sau đó, anh không trở lại chỗ cây điệp vàng ấy nữa, lánh xa, dẫu biết lòng mình có lúc thật gần.
Đang suy nghĩ miên man. Ông khách vỗ vào vai:
- Tới rồi. Tới rồi. Cho tôi xuống chỗ này. Tiện thể mời anh ly cà phê.
Ông khách nắm tay anh kéo vào. Anh cố từ chối, bởi anh biết ở đó, dưới cây điệp vàng ấy có cả khổ đau và hạnh phúc. Nếu nói hạnh phúc là tấm chăn hẹp thì ở đây nhiều người đang co kéo với nhau.
Ngay lúc ấy, người chủ quán bước ra. Thấy anh, cô ta nhoẻn cười, hất mớ tóc ra sau. Ông khách tròn mắt:
- Ủa, em có quen anh này sao?
- Dạ. Em biết, ảnh là khách quen hồi trước ở đây. Lâu nay anh ở đâu mà không ghé quán em?
- À, em. Thời buổi khó khăn, mật ít ruồi nhiều, ở đây cũng chẳng được mật mỡ gì nên đi chỗ khác em ơi.
Câu nói như lời hờn trách xa xôi.
Anh quay xe, ông khách cố nài nỉ. Anh một mực chối từ. Anh biết mình chỉ là chiếc lá rơi ngoài tầm ước vọng. Tiếng xe xa dần.
Đấy với anh, hạnh phúc là cái gì đó xa xôi. Là cái gì đó mà suốt đời chỉ là mơ ước, là những câu thơ chấp chới trong tâm hồn. Hạnh phúc có khi đến với người này dễ dàng, nhưng với người kia lắm gian nan. Anh suy nghĩ rồi chìm vào giấc ngủ trong tiếng động đều đều của đoàn tàu đang đi về phía trước.
***
Trời sáng hẳn. Những ruộng mía, bờ tre vụt qua ngoài cửa hông tàu. Đồng lúa xa mờ mưa bụi. Chiếc loa thông báo vang lên “Kính thưa quý khách, tàu SE2 sắp vào ga QN. Quý khách xuống ga QN kiểm tra lại tư trang hành lý... tàu dừng đỗ ở ga QN để đón, trả khách trong ít phút rồi tiếp tục đi ngay...”. Người lính phục viên khệ nệ chiếc ba lô và không quên kiểm tra hai con búp bê xinh đẹp của mình. Anh chàng có vẻ nghệ sĩ nói:
- Anh cũng xuống ga này?
- Vâng, tôi xuống đây. Có vẻ anh còn chú ý về hai con búp bê phải không? Xin nói với anh thế này nhé, sau lần nghỉ phép, tôi trở lại đơn vị, có tin vợ mang bầu... Chín tháng sau, bả cho tui một lần hai đứa. Hai đứa như hai bông hoa. Tôi nói hạnh phúc nhân đôi là chỗ này.
Cả hai cùng cười. Anh chàng có vẻ nghệ sĩ bắt tay chúc mừng. Tàu dừng. Họ bước xuống. Mỗi người về một ngả, nhưng họ đã gặp nhau chỗ “Hạnh phúc nhân đôi”.
THOẠI VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: