Tác giả - Tác phẩm: Nghe gió mùa xưa

14:23, 27/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quê ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), là một giáo viên khoa học tự nhiên, song thầy giáo Bùi Văn Tường (bút danh Bùi Huyền Tương) lại viết tản văn rất hay. Anh vừa ra mắt tập tản văn “Gió mùa xưa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2024).  

Bùi Huyền Tương viết đủ các thể loại, thơ có, văn có, tiểu luận phê bình cũng có, nhưng chung quy lại vẫn chỉ là một người thơ. Vì thế, ở tập tản văn “Gió mùa xưa”, các bài nghiêng về tùy bút được anh viết rất hay vì nó đẫm chất thơ. Tập tản văn “Gió mùa xưa” có thể được phân thành ba đề tài chính. 

Bìa tập tản văn “Gió mùa xưa”.                                                                                                   Ảnh: MBA
Bìa tập tản văn “Gió mùa xưa”. Ảnh: MBA

Trước hết là đề tài "Ngồi kể chuyện xưa", đó là kể lại công việc cùng những kỷ niệm tuổi ấu thơ của một chú bé nông dân đồng bằng ven biển. Những kỷ niệm này được viết lại trong tâm trạng nuối tiếc, dù thừa biết rằng, có những cái bị lãng quên, thậm chí mất đi là hợp với quy luật phát triển tự nhiên của xã hội. Có lẽ vì sợ nó bị cuộc sống đẩy vào quên lãng nên tác giả ghi rất tỉ mỉ từng bộ phận làm nên vật dụng và sự vận hành của nó: “Bộ che mía gồm 3 khối hình trụ (gọi là che) đặt thẳng hàng, liền kề nhau và truyền lực cho nhau nhờ bộ nhông (hay còn gọi là bông) ăn khớp với nhau. Trong kỹ thuật gọi là truyền động bánh răng. Khối trụ đứng giữa gọi là che trống, hai khối còn lại gọi là che mái. Có nơi còn gọi là che cái, che con” (Che mía ngày xưa). Đó còn là những mảng hồi ức lung linh khi “Theo bạn đi câu vịt”, chuyện hấp dẫn về “Mùa cắm câu đồng”. Rồi từ hương vị “Dẻo thơm bánh bó quê nhà”, “Món ngon từ cá trạc biển” đến chắc đằm vị thịt của “Cá đối sông quê”... “Theo bạn đi câu vịt” đâu chỉ là chuyện câu cá bằng vịt, mà còn là những khúc tâm tình về “một thời khốn khó” khi ngồi cùng nhau thụ hưởng sản phẩm mình đã thu hoạch được: “Đôi lúc cùng nghe tiếng lòng chùng xuống mà sẻ chia khi kể lại những kỷ niệm của một thời khốn khó”,...

Đề tài "Chuyện ngày Tết" được tác giả đề cập đến nhiều nhất. Xa hơn là chuyện “Đợi Tết về để nhớ”, “Nhớ thời xin lửa ở quê và tục giữ lửa trong ba ngày Tết”, rồi “Nhớ những phong tục Tết quê”, “Ngày xuân nhớ lại những quan niệm vùng quê thuở trước”. Cùng với đó là tâm trạng của “Những chiều cuối năm”, nghĩ về “Văn hóa Việt trong lễ cúng tất niên”; “Mưa xuân vẫn đợi”, “Thao thức mùa hoa Tết”. Người trồng hoa và đi bán hoa Tết, kể cả người đi mua hoa, lúc nào cũng muốn cho hoa thật tươi, thật đẹp, thật kiêu sa để rạng rỡ thêm ngôi nhà trong ba ngày Tết, Bùi Huyền Tương còn nhận ra và nhủ thầm với lòng mình rằng: “Phía sau nét kiêu sa của hoa cũng lắm nỗi nhọc nhằn!” (Thao thức mùa hoa Tết). Rồi nỗi da diết nhớ quê mỗi dịp cuối năm, vì bận mưu sinh không thể về quê ăn Tết. Ngồi ở phố mà rưng rưng nước mắt: “Vẫn chiều cuối năm. Ở phương trời xa thẳm, bao người con ly quê bươn bả mưu sinh, đang hướng về cố xứ” (Những chiều cuối năm)...

Đề tài "Những hoài niệm khó quên" có lẽ là những tản văn gần với tùy bút nhất, đậm chất thơ nhất và thành công nhất của Bùi Huyền Tương. Cảm xúc đầy nên câu chữ tuôn ra cứ run run theo nhịp đập con tim và nhịp rung của bàn tay cầm bút. Nào là “Mùa xưa vọng mãi”, “Nhớ hoài mùa cấy", “Ký ức rằm tháng Mười”, “Màu hoa thương nhớ”. Nỗi nhớ vương vấn, nhẹ, mỏng như tơ trời, mà trói buộc lòng người với ràng rịt những kỷ niệm ghi khắc trong lòng không dễ nguôi quên. Đó là khúc “Tưởng niệm 100 năm ngày sinh Bích Khê” đến “Sông Kinh thuở ấy bây giờ còn vương”; là cái bông hoa là lạ quen quen, dân dã như “Hoa cỏ chi” mọc ở sân trường: “Đây rồi. Những củ cỏ chi nhỉnh hơn mút đũa con, teo tóp không còn cọng lá bởi nắng hạ và thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Tôi sẻ chia cùng cỏ: “Ồ, cỏ chi đang ngủ hạ chốn này”. Là những ngọn “Gió mùa xưa” thổi buốt qua lòng ngập tràn thương nhớ: “Cánh đồng đã xa vụ gặt. Mùa lúa chét lại về. Mùa đã từng rộn rã những bước chân quê của một thời xa ngái”...

Vâng, tất cả đều là nỗi nhớ với những cung bậc khác nhau được Bùi Huyền Tương viết trong tâm trạng nuối tiếc chuyện xưa. Viết để lưu giữ lại những cơn “gió mùa xưa”, dù muôn đời gió vẫn cứ là gió của không gian không hạn lượng. Tưởng gió vô tình, nhưng khi gió thổi lộng qua tâm hồn dễ rung động như Bùi Huyền Tương thì lại là những ngọn gió có hồn, đưa đến người đọc những làn hương lan tỏa dìu dịu, nhè nhẹ, êm êm, thấm sâu để lưu giữ hương xưa cùng những vốn liếng văn hóa cổ truyền...

MAI BÁ ẤN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:23, 27/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.