Tác giả - Tác phẩm: Hạt giống đỏ

13:57, 08/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tác giả Nga Ri Vê vừa ra mắt tác phẩm “Hạt giống đỏ” (Nà xuất bản Văn học, 2024). Đây là tập sách hồi ký chân dung viết về những nhân vật tiêu biểu là người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi từ kháng chiến chống Pháp đến ngày nay. 

Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu đôi nét về truyền thống yêu nước của các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Trong đó, khái quát về địa bàn sinh sống và tổng dân số các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo, tác giả khắc họa chân dung 13 nhân vật và hai tập thể (một tập thể của quê hương Trà Bồng quật khởi gắn với nhân vật Trương Ngọc Khang và một tập thể chiến sĩ vùng Đá Vách). Đầu tiên là những nhân vật “lão thành cách mạng”: Đinh Nhá, Đinh Văn Thành, Đinh Văn Mười, Đinh Xuân Trâm, Đinh Thanh Lâm, Hoàng Thị Diệp, Trương Ngọc Khang và những cánh chim đầu đàn của Trà Bồng quật khởi. Ở phần này, tác giả nói rõ: “Tôi viết về một số lão thành cách mạng, họ không phải anh hùng, không là liệt sĩ, nhưng đã sống và cống hiến tuổi đời của mình cho cách mạng, cho dân tộc hai cuộc kháng chiến”. Tiếp đó là Đinh Văn Cường, Đinh Kơ Méo, Phạm Văn Đắp, Đinh Tía, Đinh Banh, Đinh Thị Mai, tập thể “Những vì sao lấp lánh vùng Đá Vách”. Về nhân vật “Chánh tổng Nhá”, Nga Ri Vê kể: “Bác Hồ tìm gặp ông Nhá và tặng bộ quần áo... Ông Nhá bất ngờ, cảm động vô cùng, tay run run ôm bộ quần áo vào lòng, nghẹn ngào, lắp bắp nói không ra câu... Bác Hồ tươi cười nói với ông Nhá: Ông tốt lắm, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và bọn phiến loạn Sơn Hà, ông có công lớn lắm” (Ông Đinh Nhá).

 

Phần 2 của tác phẩm, Nga Ri Vê giới thiệu về hạt giống đỏ ươm gieo ở ngôi nhà chung Trường Dân tộc miền Nam. Đầu tiên, tác giả trình bày “Đôi nét về Trường miền Nam trên đất Bắc thời kháng chiến chống Mỹ thập niên 50 - 60 thế kỷ XX”. Sau đó, khắc họa 15 chân dung của “Những người con của xứ sở Du kích Ba Tơ Anh hùng” (Phạm Văn Thọ, Đinh Uông, Đinh Karúp, Phạm Viết Nho, Đinh Hoài Ôn, Đinh Thoang My, Di Mi, Đinh Thị Húa, Rô Đam Bình, Đinh Minh Hoái, Đinh Du, Trần Quang Triệu, Đinh Cung Điện, Đinh Gõ, Đinh Ước); 24 chân dung “Những người con của núi Adin - sông Rin” (Sang Lâm Liên, Đinh Văn Bình, Sang Tô Nghĩa, Đinh Xuân San, Đinh Nay zRon, Đinh Thị Minh Điều, Hoàng Thị Dung, Đinh Như Tro, Đinh Hùng, Đinh Trí, Đinh Huy Du, Đinh Nghe, Đinh Thị Loan, Đinh Ruy-A, Trần Đức Quynh, Đinh Thị Minh Huệ, Đinh Thị Minh Hoa, Đinh Thị Đài, Kim Nhớ, Đinh Long Ta, Đinh Xăng Hiền, Nga Ri Vê, Đinh Thiên Vương, Đinh Thị Mão).

Cùng với đó, tác giả đề cập đến 5 chân dung “Những người con của núi Mum - Đá Vách huyền thoại” (Đinh Miền Tây, Đinh Trọng Bơm, Hồ Lai, Đinh Xông, Đinh Hoài Bắc) và 9 chân dung “Những người con của Trà Bồng quật khởi” (Võ Quang Minh, Hồ Nhật Tùng, Đinh Bạch Lan, Hồ Thị Hoa, Hồ Thị Mai Lương, Trương Thị Ái, Nguyễn Thị Thắng, Trần Văn Nhắng, Đinh Văn Phụng). Ta có thể hình dung lần trở về Nam tham gia kháng chiến qua đoạn văn sau: “Sau ba tháng long đong vất vả trên đường Trường Sơn, cả đoàn cũng về tới mảnh đất Quảng Ngãi. Năm anh em an toàn, dừng lại ở trạm Sơn Bua huyện Sơn Tây một đêm, hôm sau đi tiếp về trạm 40 Quảng Ngãi đóng trên núi Vlâu xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà” (Di Mi yêu quý của tôi)...

Viết chân dung về những người dân tộc thiểu số, khi nhập đề, Nga Ri Vê luôn có ý thức hành văn một cách giản dị, gọn gàng nhằm tóm lược ngắn gọn về tiểu sử nhân vật để sau đó, nói những điều cần nói nhằm hiện rõ chân dung nhân vật: “Ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, vào năm 1930, có một cậu bé người Hrê cất tiếng khóc chào đời, cậu bé đó chính là Đinh Kơ Méo. Để rồi 29 năm sau, cậu bé đó trở thành một tay súng cừ khôi” (Anh hùng Đinh Kơ Méo). Khi viết về những nhân vật hiện đang còn sống và cả khi viết về mình, tác giả nói một cách thành thực, không thêu dệt để chân dung hiện lên gần gũi và chân thật nhất. Chị mở đầu chân dung chính mình rất khiêm tốn: “Tự viết về mình thật ngại nên tôi sẽ viết thật ngắn gọn. Năm sinh của tôi do thầy giáo đặt cho, là năm 1945, nguyên quán ở làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà. Sinh quán ở xóm Ka La, xã Sơn Mầu, huyện Sơn Tây. Và, tôi lớn lên trưởng thành ở Thủ đô Hà Nội” (Nhà giáo, nhà thơ Nga Ri Vê).

“Hạt giống đỏ” là hồi ký chân dung được viết ngắn gọn, nhưng sinh động, hấp dẫn. Sắp tròn 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng đọc và cùng ghi nhớ về những đóng góp của những người con thầm lặng này.

MAI BÁ ẤN

TIN, BÀI LIÊN  QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:57, 08/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.