Truyện ngắn: Đêm trăng rằm

14:34, 17/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trăng đã tròn hơn, gió se se lạnh, báo hiệu một mùa Trung thu nữa lại về. Nhân đến thăm trại trẻ mồ côi vào một buổi chiều nghiêng nghiêng nắng. Đường vào xóm Hoa Đan xa xôi, xe ô tô không thể vào được, phải đỗ tại một dốc nhỏ dưới chân cầu chỗ ngã ba đường hướng ra dòng sông rì rào sóng.

Đúng như lời Huyên nói: Xóm vắng. Từ đầu xóm đến cuối xóm chỉ có vài hộ dân, một cái chợ nhỏ ở đầu xóm, với vài ba quán hàng lèo tèo bán rau củ, thịt cá, tạp hóa... Xóm Hoa Đan nằm lọt thỏm giữa bốn bề ruộng đồng sông nước. Một con đường nối dài từ chợ huyện về ngang qua xóm, chạy dài qua miền đất khác. Nhân đến xóm Hoa Đan giữa mùa nắng mưa bất chợt, vừa rồi vẫn còn chang chang nắng, giờ thì mây đen kéo đến, trời sắp đổ mưa.

 “Ở cái xứ buồn tẻ đó có một trại trẻ mồ côi” - Huyên đã nói như vậy nhân dịp cô về xóm Hoa Đan lấy tin. Nhân tức tốc xin trưởng phòng làm một chuyến hoạt động thiện nguyện về xóm Hoa Đan. Chuyến đi có Nhân, trưởng nhóm từ thiện Búp Măng và vài sinh viên đại học năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện.

*

“Các em nhỏ ở trại trẻ Hoa Đan đáng thương lắm, Nhân ạ!”. Câu nói ấy của Huyên cứ canh cánh trong đầu Nhân cho đến khi Nhân đặt chân lên xe, chiếc xe rời thành phố chạy về miền quê heo hút. Nhân đi trước, theo lời chỉ dẫn của Huyên, theo sau Nhân là trưởng đoàn từ thiện Búp Măng, sau nữa là các bạn trẻ có trái tim ấm áp. Đường vào trại trẻ chông chênh. Nước mưa còn đọng lại trong những đường bánh xe bò to tướng nằm không thứ tự trên con đường đất. Hai bên đường là hàng cây xanh mướt. Về chiều, tiếng muỗi kêu vo ve càng lúc càng lớn hơn.
Nhân đã dành phần nhiều thời gian tuổi trẻ của mình để làm từ thiện. Nhân là trẻ mồ côi. Thuở nhỏ, Nhân và Huyên cùng lớn lên trong một trại trẻ mồ côi giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Bởi vậy, trong Nhân bao giờ cũng khao khát có được tình yêu thương, hơi ấm của ba mẹ. Nhân kém may mắn, vậy nên Nhân mong muốn mình sẽ đem niềm vui cho những hoàn cảnh đáng thương khác.
Lần này Nhân về trại trẻ Hoa Đan, lòng mang nhiều cảm xúc. Đây cũng như là một cuộc về nguồn, về trại trẻ mồ côi - môi trường mà Nhân đã sống từ khi còn là cậu bé đỏ hỏn. Nghĩ đến đó, nước mắt Nhân bỗng ứa ra.

*

Đoàn Búp Măng đến xóm Hoa Đan khi người vú già đang lặng lẽ quét sân đầy lá rụng sau một trận gió. Những ngày này, ở Sài Gòn đông nghịt, những lều trại màu vàng có chữ “Kinh Đô” - thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng - được dựng lên ở các góc phố. Đèn lồng được treo đầy ở các cửa hiệu, đặc biệt là khu người Hoa ở quận 5. Còn ở đây, chập chiều đã vắng teo, chỉ có tiếng cây cối thì thào và tiếng côn trùng rả rích.

Người vú già mở cửa đón đoàn Búp Măng. Các em nhỏ đang ngồi trong nhà lớn tập vẽ, thấy có người đến thăm, các em chạy ra xếp thành hàng ngang, đồng loạt cúi đầu chào. Nhân vẫy tay lại. Mấy bạn sinh viên trẻ lấy quà bánh trong túi ra chia cho mỗi em một ít. Các em cảm ơn rối rít. Các bạn sinh viên trở vào nhà lớn xem các em tập vẽ. Tiếng cười ríu rít vang lên.Người vú già dẫn Nhân đi men theo con đường lát gạch tàu màu đỏ au. Lá mận rụng lác đác. Mùa này mận trổ bông trắng xóa. Nhân đã ngửi thấy mùi bông mận ướp trong sương chiều. Ngoài nhà lớn là dãy phòng ngủ của các em. Phòng ngủ tập thể, được phân giường theo thứ tự. Phòng của vú già ở cuối, một căn phòng cũ, nhỏ xíu với chiếc bàn để mớ giấy tờ, sách vở cũng đã nhuốm màu thời gian. Cuối cùng là phòng bếp.

- Ở đây mọi việc vú làm hết hay sao? Có ai đến hỗ trợ không hả vú?
- Chủ yếu là tôi, cậu ạ! Thi thoảng cũng có vài chị em trong xóm đến phụ nấu cơm, giặt giũ, làm cỏ vườn. Mấy em học sinh cũng hay đến dạy trẻ học chữ. Tôi quý lắm!

Nhân nhìn vú già, người có khuôn mặt nhân từ độ lượng, mái tóc đã điểm bạc mà trái tim vẫn đầy nhiệt huyết với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mà xúc động không nói được nên lời. Nhân bỗng nhớ đến người đã từng nuôi Nhân trong trại trẻ mồ côi giữa lòng Sài Gòn đông đúc. Đó là một người phụ nữ không lấy chồng, suốt đời vì đàn con không máu mủ ruột rà.

Nhân hỏi tiếp:
- Gần đến Trung thu rồi, ở đây đã có kế hoạch gì cho các em được vui chơi chưa hả vú?
- Chắc cũng như mọi năm, tôi ra chợ mua ít bánh ngọt về cùng ăn, cùng ca hát, nếu các em học sinh trong xóm Hoa Đan rảnh rỗi thì đến làm lồng đèn cho có không khí Trung thu.
Nhân, người vú già và trưởng đoàn Búp Măng quay trở lại nhà lớn xem các em tập vẽ. Nhìn một bé trai ngồi ở góc nhà đang hí hoáy vẽ ngôi nhà ngói đỏ với khu vườn xum xuê cây trái, và ba mẹ quay quần bên con trẻ, Nhân hồ nghi đó chính là ước mơ của em. Chính Nhân cũng đã từng vẽ những hình ảnh đó trên trang giấy trắng. Nhân cũng đã từng mơ ước cháy bỏng về một mái ấm rộn ràng tiếng cười nói, ấm áp yêu thương.

*

Cả đoàn rời xóm Hoa Đan trở về thành phố, và chắc chắn sẽ còn quay trở lại nơi này. Người vú già đưa các anh em trong đoàn ra tận chỗ đỗ ô tô, mặc dù Nhân đã ngăn. Xe chuyển bánh, rời xóm Hoa Đan khi trời lất phất mưa. Cái gạt nước chuyển động đều đều trước tấm kính chắn gió.

Về thành phố, đoàn Búp Măng - nhờ sự hỗ trợ đưa tin từ phóng viên Huyên - nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân. Đoàn Búp Măng lên kế hoạch chương trình “Đêm thu ấm áp- rước đèn nơi xa”. Chương trình nhận được sự ủng hộ về mặt vật chất và sự giúp sức từ các bạn học sinh, sinh viên trong thành phố. Các bạn cùng nhau làm những chiếc lồng đèn ông sao, lồng đèn tên lửa, đèn con gà…  Một tốp khác đi mua bánh Trung thu, bánh dẻo, bánh ngọt và những phần quà khác để mang về nơi xa, chuẩn bị cho đêm Trung thu rước đèn, phá cỗ.

Mọi chuyện đã sắp xếp ổn thỏa, những chiếc lồng đèn bọc giấy bóng kính được đem ra phơi nắng căng bóng, họa tiết sặc sỡ. Huyên tranh thủ chụp lấy vài tấm ảnh để đưa tin bài. Chương trình “Đêm thu ấm áp - rước đèn nơi xa” hứa hẹn sẽ tạo nên một đêm thu đầy ý nghĩa cho những đứa trẻ cơ nhỡ ở trại trẻ Hoa Đan xa xôi.

*

Ngày Trung thu, Sài Gòn rực rỡ, náo nhiệt. Chiếc xe có logo Búp Măng di chuyển dần về miền quê có cái tên xinh đẹp: Hoa Đan. Tấm bạt có in hình ảnh vầng trăng tròn, chị Hằng và chú Cuội được treo lên trước sân. Đèn giăng sáng lối. Những chiếc đèn lồng được trao cho các em nhỏ, nến đã thắp lên bên trong, ánh sáng long lanh rọi chiếu sân trại trẻ Hoa Đan. Những bài ca rước đèn phá cỗ vang lên khiến không gian thêm phần rộn rã. Bánh Trung thu được xếp ra đĩa, trái cây đủ loại, những loại nước trái cây xanh, đỏ được rót ra để thành một dãy dài trên bàn. Sau khi trưởng nhóm Búp Măng tuyên bố lý do, các bạn sinh viên từ Sài Gòn về hóa trang thành chị Hằng - chú Cuội diễn những tiểu phẩm vui nhộn và ý nghĩa, những tràng cười của đám trẻ vang lên, tiết mục phá cỗ đã diễn ra. Những đứa trẻ nâng niu từng miếng bánh Trung thu trên tay, trong số đó, Nhân biết có đứa trẻ lần đầu tiên được nếm vị bánh Trung thu, lần đầu tiên được hòa mình trong đêm trăng rằm rước đèn phá cỗ.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Bỗng đâu đó vang lên tiếng thút thít của một đứa trẻ. Là cậu bé ngồi vẽ ngôi nhà ước mơ mà hôm trước Nhân đã gặp - cậu con trai có đôi mắt long lanh, khuôn mặt hồn nhiên dễ mến.
- Sao con khóc vậy nhóc? - Nhân hỏi.
- Con vui lắm! Đây là đêm Trung thu vui nhất của con từ trước đến giờ.
Nghe đứa nhỏ trả lời một cách ngây ngô mà xúc động biết nhường nào, Nhân ôm cậu bé vào lòng:
- Con ước mơ điều gì, nói chú nghe với!

- Con muốn... sau này sẽ làm thầy giáo, sáng con đi dạy học, trưa con về nhà có mẹ, có ba. Một gia đình đầm ấm...
Ai biết đâu trong lời nói ngô nghê của đứa trẻ là cả một trời mơ ước. Ngày xưa Nhân cũng đã từng ước ao như thế - một giấc mơ giản đơn, bình dị với bao người, nhưng lại trở thành cháy bỏng đối với Nhân và với những đứa trẻ không được sống cùng ba mẹ.

Đêm Trung thu hôm ấy là một đêm đầy ý nghĩa. Đoàn Búp Măng đã đem ánh sáng rạng rỡ về miền quê nghèo, tưới một dòng nước mát lành vào tâm hồn của những đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh.

Đêm hôm ấy, Nhân cùng đoàn Búp Măng ngủ lại ở trại trẻ Hoa Đan. Những tấm ảnh Nhân gửi về được Huyên sử dụng cho một bài viết công phu đăng trên báo ngày mới, về một đoàn từ thiện luôn mang niềm vui và niềm hạnh phúc đến cho người khác, về trại trẻ Hoa Đan - nơi rộng lòng chào đón những đứa trẻ bất hạnh, nuôi nấng và dạy dỗ chúng nên người.

HOÀNG KHÁNH DUY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:34, 17/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.