Tác giả - Tác phẩm: Vầng trăng cổ  tích

14:35, 17/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuổi thơ tôi đã lớn lên cùng ca khúc “Vầng trăng cổ tích”. Mãi cho đến sau này, tôi mới biết nhạc sĩ (NS) Phạm Đăng Khương, đồng hương Quảng Ngãi với mình là tác giả ca khúc ấy.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương kể, năm 1979, khi đó còn là sinh viên. Một hôm đạp xe trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.Hồ Chí Minh, ông mua một tập thơ thiếu nhi ở sạp báo bên lề đường. Về ký túc xá Eden Rock, số 24 Đồng Khởi, quận 1, điện cúp tối thui. Hầu như cúp thường trực từ 6 giờ tối đến 9 giờ tối mỗi đêm. Ông ở lầu 7 và rất thích nhìn trăng. Mùa trăng sáng, nhìn trăng lại nhớ quê và tuổi thơ. Tình cờ trong tập thơ có bài “Vầng trăng cổ tích” của Đỗ Trung Quân, đọc xong liền lấy guitar ra dạo cho vui. Sau vài nốt nhạc thì ca khúc “Vầng trăng cổ tích” đã ra đời.
Rồi một hôm nọ, cũng lóc cóc đạp xe trên đường, khi đi ngang qua Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, ở đường Nguyễn Đình Chiểu, NS Phạm Đăng Khương nghe vọng lại những câu hát quen quen, mà chưa biết bài gì. Dừng xe lại nghe kỹ một chặp thì anh mới biết đó là bài “Vầng trăng cổ tích”, NS Phạm Trọng Cầu đang hướng dẫn cho bé Đạt Thịnh thu âm ở đây. Tác giả ca khúc “Vầng trăng cổ tích” rất vui mừng, anh gửi bài hát này cho đài cách đây mấy tháng tưởng đã... chìm, không ngờ lại được thu âm.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương.
Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương. Ảnh: NVCC

Sau đó, NS Nguyễn Nam cũng đã chọn bài “Vầng trăng cổ tích” để thu hình và phát trên Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh, cũng với giọng ca Đạt Thịnh. Ca khúc tiếp tục được đón nhận của khán giả nhí. “Mãi đến tháng 8/1996 tôi mới được gặp Đạt Thịnh ở phi trường Tân Sơn Nhất. Khi ấy, cô bé giúp tôi làm thủ tục nhanh chóng để sang Mỹ lần đầu”, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ thêm.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, đến nay đã 44 năm kể từ khi bài hát “Vầng trăng cổ tích” ra đời. Cứ mỗi dịp Trung thu, ca khúc ấy lại vang lên với giai điệu vui tươi, nhí nhảnh với những câu hỏi: “Bà ơi, chú Cuội có nhớ nhà không, sao như cháu thấy, sao như cháu thấy chú đang xuống trần!/ Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa, Cuội ơi em hỏi: Trăng non hay già?/ Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa, Cuội ơi em hỏi: Trăng non hay già?”. Ca khúc này đã ghi sâu vào tâm trí của lớp lớp trẻ con. Sau này, “Vầng trăng cổ tích” được đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc lớp 4 (Chương trình Giáo dục phổ thông 2006). Ca khúc “Vầng trăng cổ tích” liên tục xuất hiện trong các chương trình ca nhạc thiếu nhi, trong các cuộc thi, với nhiều bản phối và nhiều ca sĩ thể hiện.

Bản nhạc “Vầng trăng cổ tích”.
Ảnh: NVCC
Bản nhạc “Vầng trăng cổ tích”. Ảnh: NVCC

“Ca khúc nằm ngoài sức mong đợi của tôi. Vì ngày ấy, tôi chưa được học nhạc bài bản, nhưng bài hát được sử dụng và phát liên tục trên các đài. Đối với một người nhạc sĩ, ca khúc của mình được công chúng đón nhận, yêu mến, thì đó là một điều hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Ca khúc ấy cũng mang nhiều kỷ niệm. Vì quê tôi ở Nghĩa Hành, vùng quê ngày ấy nghèo, không có điện, chỉ có ánh trăng mà thôi. Nên ca khúc này thành công là nhờ một phần ký ức ấy. Và cũng cảm ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có một bài thơ như một gợi ý về lời ca cho tôi”, NS Phạm Đăng Khương bộc bạch.

Gắn liền với chú Cuội, cây đa và vầng trăng với nhiều chi tiết trong truyện cổ, nên ca khúc “Vầng trăng cổ tích” gần gũi với các em thiếu nhi. Còn với người lớn, mỗi khi nghe ca khúc “Vầng trăng cổ tích” của Phạm Đăng Khương khiến tâm hồn trẻ trung trở lại, vui tươi hơn.

PHƯƠNG NAM

Xuất bản lúc: 14:35, 17/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.